Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

Báo tường 8B

 1. Bến sông - con đò

Đường đời qua bến sông xưa
Con đò lặng lẽ đón đưa tháng ngày
Dòng sông con nước vơi đầy
Con đò – một nét hao gầy thân thương
Người đi muôn nẻo dặm trường
Bước chân như vẫn ngập ngừng bến xưa!
Mong cho trời tạnh gió mưa
  Đò còn chở nặng giấc mơ cuộc đời!
 Đò ơi, ai gọi, đò ơi!
 Hình như thấp thoáng bóng người bờ xa...

2. Kéo co
Một sợi dây thừng dài
Bên đấy là lớp bạn
Bên này là lớp tôi
Xếp hàng dài đối diện
Nắm chặt dây, choãi chân
Sẵn sàng chờ hiệu lệnh
Một hồi còi cất lên
Hai ba nào cùng kéo
Mím môi và lên gân
Hai bên cùng kéo khỏe
Nào cố lên, cố lên!
Sợi dây đu qua lại
Từng phút, từng phút qua
Bỗng xô về một phía
Lớp các bạn ngã nhào,
Lớp chúng tôi chiến thắng!
Vang trời tiếng hò reo,
Muôn nụ cười chia sẻ,
Thầy cô cùng bạn bè
Trong buổi sáng mùa thu…

Báo tường
8/11/2012

Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

Những điều"buồn cười" trong cuộc sống

Thật buồn cười là sao tờ tiền 10.000đ trông quá to và quá giá trị lúc chúng ta cho người ăn xin, mà lại quá nhỏ khi ta mang nó đi mua hàng.

Thật buồn cười là sao 60 phút là quá dài khi nói chuyện với ông bà cha mẹ mà 60 phút lại quá ngắn khi chơi điện tử hay tán ngẫu cùng bạn bè.

Thật buồn cười là chúng ta khoái chí và hồi hộp run lên khi trận đá bóng đến những phút bù giờ nhưng chúng ta lại than thở và khó chịu khi thầy cô dậy thêm vài ba phút sau tiết học.

Thật buồn cười là chúng ta thấy khó nhọc thế khi đọc một chương cuốn giáo khoa và chúng ta lại thấy dễ dàng thế khi đọc một cuốn truyện dày cả trăm trang.

Thật buồn cười là mọi người cãi nhau để tranh giành một chỗ ghế đầu khi xem bóng đá hoặc biểu diễn ca nhạc nhưng lại cãi nhau để tranh một chỗ ghế ngồi hàng cuối ở lớp học.

Thật buồn cười là chúng ta cần 2 đến 3 ngày để suy nghĩ thì mới đưa được một buổi học bù vào thời gian biểu của mình, nhưng lại sắp xếp được thời gian cho một buổi đi chơi ngay vào phút cuối cùng.

Thật buồn cười là một số người thấy vô cùng khó khăn khi đọc và giải thích cho người khác một bài học, nhưng lại thấy rất dễ dàng khi hiểu và truyền bá những chuyện ngồi lê đôi mách.

Thật buồn cười là chúng ta không thể nghĩ ra cái gì để cầu nguyện cho người khác nhưng lại tìm ra đủ thứ để mong ước cho bản thân mình.

Thật buồn cười là chúng ta nhanh chóng quyết định đi theo chỉ dẫn của một người lạ mặt khi chúng ta lạc đường nhưng chúng ta lại ngần ngại không làm theo lời chỉ bảo của chính đầu óc mình.

Thật buồn cười là con người bị ảnh hưởng quá nhiều bởi những gì mà người khác đánh giá về mình, hơn là những gì tự mình đánh giá về mình.

Thật buồn cười nếu bạn đọc những điều trên và thấy buồn cười thay vì có thể rút ra được điều gì đó cho bản thân mình… 

[Sưu tầm]

Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

Xem lịch mỗi ngày


Ta không thể thay đổi được hướng gió, nhưng ta có thể điều khiển được cánh buồm.

Người thành công luôn có câu trả lời cho mọi vấn đề, người thất bại luôn có vấn đề trong mọi
câu trả lời.

Chim hót sau một cơn bão; tại sao con người lại không cảm thấy thoải mái để vui trước những
gì còn sót lại? (Rose F. Kennedy).

Tôi thích đồng hành với những người yêu tôi quá ít hơn là với những người yêu tôi quá nhiều
(Katherine Mansfield)

Một người không có cảm giác hài hước cũng giống như một chiếc xe bò không có nhíp xe vậy.Nó cứ xóc nảy hoài trước mỗi hòn sỏi trên đường.

Người tầm thường ngồi chờ cơ hội. Người ưu tú nắm bắt cơ hội. Người nhạy bén tạo ra cơ hội (Vương Trung Quân)

Sự khôn ngoan khiến người ta tồn tại, nhưng sự đam mê khiến người ta sống (Eluard) 

Làm việc đừng quá trông đợi vào kết quả, nhưng hãy mong cho mình làm được hết sức mình (Anita Hill)

Để hiểu nhau, tôi thích anh hoài nghi để rồi có ngày tin tôi chắc chắn. Tôi không thích anh vội tin để đi đến hoài nghi (M.Gorki).

Nếu ai đùa giỡn với cuộc đời, người đó sẽ không làm xong việc gì cả; ai không làm chủ cuộc đời mình, thì mãi mãi là một nô lệ.

 Không biết không phải là xấu hổ. Không muốn biết mới là điều đáng xấu hổ.

Chúng ta đang chết đuối trong thông tin và đói kiến thức (Goethe)

Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

Ông nội, thơ và câu đối

Còn 4 ngày nữa là đến ngày giỗ ông nội của Hoàng và Mai. Có lần mình nói với Hoàng và Mai rằng "ông nội của các con không có hiểu biết gì về thơ văn".
Cuộc đời ông từ năm lên tám tuổi là chuỗi ngày mưu sinh mải miết, làm gì có thời gian tìm hiểu về thơ văn. Từ làng Bái Hạ đồng chiêm nghèo khó, ông bỏ nhà đi lang thang theo đám trẻ kiếm sống trên vỉa hè, đường phố Hà Nội. Sau nhiều năm như vậy, có lẽ vào khoảng năm 1930, ông xin được vào làm phụ bếp cho nhà hàng người Hoa, rồi lại làm phụ bán thuốc Bắc,... ông tự học chữ nho và có thể viết được văn tự, đọc sách thuốc và chú tâm học nghề thầy thuốc,...

Tuy chỉ với vốn chữ nho và chữ quốc ngữ ít ỏi tự học được nhưng ông cũng kịp đọc và biết chút ít về thơ phú.
Khi tuổi cao, định cư hẳn ở Nga Sơn, ông thường hay ngâm thơ và nói về các nhà thơ, nhà nho với những lời ngưỡng mộ.

Một số nhà thơ thường được ông nhắc đến: Bà Huyện Thanh Quan (bài Qua đèo ngang), Hồ Xuân Hương (nhiều bài), Nguyễn Bính (bài Cô lái đò,...)
...
Ông cũng hay ngâm Kiều, hay hát vài câu ca trù (bài "hồng hồng tuyết tuyết..." mà mãi đến khi ngoài 40 tuổi mình mới biết đó là ca trù). Khi đã gần bảy mươi ông thường dịch các bài thơ, phú trong các quyển sách thuốc (chữ nôm) ra chữ quốc ngữ. Cuốn gia phả họ Trần Xuân được ông dịch ra chữ quốc ngữ. Mấy câu đối chữ nho trên tường nhà được ông viết vào khoảng năm 1973.  

Ông thích gặp gỡ các trí thức cũ trong vùng, nhiều lần ông mời bạn về nhà uống rượu, đàm đạo về thơ phú. Ông cũng đã đến chơi nhà ông Tú Loan ở thôn Xa Loan (Nga Thắng, Nga sơn), ông Tú Loan chính là nhà thơ Hữu Loan với bài thơ "Màu tím hoa sim" nổi tiếng và được xếp trong 100 bài thơ Việt hay nhất mọi thời đại. Vì dính vào vụ Nhân văn giai phẩm nên ông Tú Loan trở về quê lấy vợ, sinh con, lên núi đục đá bán kiếm sống và không muốn giao tiếp với ai. 

Mấy bài thơ và câu đối ông nội thường đọc vào dịp tết
1.
Xuân khứ, xuân lai, xuân bất lão
Thấy xuân về náo nức mừng xuân
Khắp mọi nơi già trẻ xa gần
Ai cũng muốn đến ngày xuân mừng tuổi mới
Ngõ ngoài cửa hiền nhân đi lại
Màu tử hồng phảng phất cũng vui thay
Rượu Hoàng Hoa rót chén chào mời
Thơ Bạch Tuyết ngâm cho phỉ chí...

2.
Rượu ngon ngọt miệng nốc mãi vào
Lẩng cẩng ra về ngã xuống ao
May vớ cù tre gò bíu lại
Không thì đổ số tại thiên tào

3. Câu đối
Chưởng thượng kinh luân đa thọ thế
Đường trung khang thái lạc hồi xuân.
Ông nội cũng có làm một số bài thơ, chủ yếu vào dịp các con cái thi đỗ vào đại  học, ví dụ bài "công thành danh toại"), rất tiếc những bài này đã bị thất lạc.

Bài sau đây có lẽ nói về một phụ nữ ở làng bên

Tài sắc cho nên mới dở dom
Dở dom nên mới lắm kẻ dòm
Kẻ dòm nhưng vẫn còn chưa dám
Chưa dám cho nên mới phải nhòm.

Đấy, thơ ca đối với ông nội chỉ có thế thôi. Chỉ để cuộc sống mưu sinh của người lao động bớt nặng nề.

Thứ Năm, 1 tháng 3, 2012

Bánh chưng

Bánh chưng đã gắn liền với những ký ức tuổi thơ của những ai sinh ra và lớn lên từ bốn, năm mươi năm trước. Cái tuổi thơ mà phải chờ đợi suốt cả năm dài để đến tết được ăn bánh chưng. Và khi nói đến bánh chưng ai cũng nói “bánh chưng tết”. Chính vì vậy mà mình dường như vẫn nhớ rõ những khi nhà mình nấu bánh chưng tết. Nhớ rõ động tác cha mình xếp từng chiếc bánh vào nồi, nhớ  hình dáng từng khúc củi to cháy âm ỉ dưới cái nồi mười to tướng bằng đồng…Trong nồi, nước sôi ậm ịch, thỉnh thoảng trào ra xèo xèo.  Lúc đó là đêm ba mươi, giờ phút cuối cùng trước khi bước sang năm mới. Đúng là “tối như đêm ba mươi”, và rét cũng như đêm ba mươi. Mẹ vừa kịp về, dưới ánh sáng mờ của chiếc đèn dầu nhỏ mẹ đang tranh thủ thu dọn hàng để cất đi và để nghỉ ngơi, không đi chợ trong 3 ngày tết…   
Có lẽ ký ức nào thì cũng dần phôi phai theo thời gian. Hơn nữa, giờ đây bánh chưng không còn là món ăn chỉ có trong ngày tết. Nhất là ở thành thị, ai cũng có thể mua và ăn bánh chưng bất cứ lúc nào. Ít ai nghĩ đến chuyện gói và nấu bánh chưng tết. 
Nhưng khi tết Canh dần (2010) đến, cô Ngà đề xuất việc các nhà ở gần chung nhau gói bánh chưng tết. Các nhà đều ủng hộ. Ủng hộ không phải chỉ vì các nhà sẽ có những chiếc bánh chưng tết ngon hơn, an toàn hơn, mà còn vì việc gói và nấu bánh sẽ làm cho những ngày tết thêm vui… Và đúng như vậy, đã hai lần gói bánh chưng tết thực sự đã mang lại niềm vui lớn cho mọi người.
Nhà cô Ngà gói bánh chưng tết đã có thâm niên vì bao nhiêu năm ở Thanh Hóa đã quen với  “tết nghĩa là gói bánh chưng”. Nên vẫn theo thói quen cô đã hăng hái vận động mọi người tham gia. Thế là mọi thứ liên quan đã được chuẩn bị đầy đủ. Gạo nếp, đậu xanh, lá dong được cô Vân mang từ Nam định lên sau chuyến đưa bà về thắp hương tổ tiên. Sau đó thịt lợn cũng được chú Thiện mang về từ Thạch thất,… Toàn những thứ đặc sản “tiến vua”. Các công việc ngâm gạo, đãi đậu, rửa lá,thái thịt… chủ yếu do cô Ngà, Thanh Tú, bác Vân Anh,… xoay xở trong một ngày. Công đoạn gói bánh vào buổi tối thì lại có quá nhiều người tham gia. Trong căn phòng tầng 2 nhà cô Vân, mọi người vào ra khá nhộn nhịp, hình như không thiếu ai. Bà cũng đến để cổ vũ. Mọi người ngồi thành vòng rộng, người thì cắt lá theo mẫu, người xếp lá thành khuôn, người thì gói lại, người thì buộc lạt,…ai cũng tấm tắc tự khen mình. Rồi thay nhau ngắm nghía và đếm từng chiếc bánh thành phẩm. Một số chiếc gói theo cảm hứng, thường là nhỏ xíu và chất lượng chắc là loại “bí mật”. Và chẳng mấy chốc đã vét nốt gạo để gói chiếc bánh cuối cùng.  Những chồng bánh mặc đồng phục xếp hàng ngay ngắn ở giữa nhà.
Sáng hôm sau, bánh được xếp vào nồi và bếp được nổi lửa từ lúc 7 giờ. Cũng may hàng xóm nhà cô Vân sau khi nấu xong bánh thì cho mượn luôn nồi và bếp nấu. Bếp là mấy hòn gạch kê chắc chắn trên vỉa hè ngay bên kia đường, liền với vườn cây các cụ, nên khá rộng rãi, tiện lợi. Nồi bánh sôi đều trong suốt một ngày. Cu Tiến bị gọi dậy sớm để tham gia ca trực đầu tiên. Sau đó  Trường, Linh, Mai, Hoàng, Hùng… đều được yêu cầu xách nước, thêm củi,… Còn mọi người thì bận đi chúc tết, đi chợ nhưng ai cũng tranh thủ ghé qua ngồi trò chuyện, ăn mẩu sắn nướng thơm ngon. Chiều tối chú Quyết lại còn xách chai rượu mời bác Nhật uống… Cuối cùng lệnh tắt bếp được phát ra, bánh được vớt ra rổ, bốc khói nghi ngút.
Vì bánh được mang vào nhà cô Oanh nên trong khi chờ bánh nguội để chia thì các nhà “tiện thể” ăn cơm ở nhà cô Oanh luôn. Tất nhiên trong bữa ăn sẽ có cả bánh chưng nóng để vừa ăn vừa khẳng định chất lượng.
Hôm nay đã là ngày 10 tháng 12 âm lịch Tân Mão, “tết đến nơi rồi”. Sắp đến ngày gói bánh chưng tết.

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012

Không khí trong lành, nội và ngoại

Đức Đạt Lai Lạt Ma có nói:
 “Thế giới này có quá nhiều thứ xấu xa đã xảy ra chỉ vì chúng ta luôn phân biệt “chúng nó” và “chúng ta”. Phân biệt giữa chủng tộc này với chủng tộc khác, dân tộc này với dân tộc khác, thậm chí gia đình này với gia đình khác, người này với người khác..".
Quả thật, "gia đình yên ấm" luôn là điều mong ước của mọi người, vậy mà điều đó dường như không dễ dàng. Nhiều người tự hỏi, tại sao mình đã cố hết sức, và cũng đã làm được nhiều điều tốt (như làm ra được nhiều tiền, chăm lo hết thảy cho con cái,...), nhưng cuộc sống gia đình lại chẳng mấy khi được yên ấm?
Một trong những chuyện khá phổ biến trong các gia đình chính là sự phân biệt "nên nội" và "bên ngoại", "bên trọng - bên khinh". Điều này có ở phụ nữ nhiều hơn và nhất là những người sinh ra trước thời kỳ "mở cửa" đầy khó khăn. Thực tế tất nhiên không bao giờ cả bên nội bên ngoại đều ngang nhau về mọi mặt, kể cả những khi tưởng như hai bên "môn đăng, hộ đối". Đã là "bên khinh" thì luôn có những khiếm khuyết. Và đôi khi có những khiếm khuyết của "bên khinh" mà  "đến chết cũng không bỏ qua được"... Chính vì nuôi dưỡng những ấm ức trong người nên lúc nào ta cũng có thể "gây chuyện". Lời nói cay độc giống như độc tố trong không khí bị nhiễm thì dễ lây nhiễm vào người mà thường xuyên hít thở không khí đó, có thể gây những hậu quả đau lòng như các vụ việc mà ta vẫn thấy trên mặt báo hàng ngày...
    Làm thế nào để loại bỏ được sự phân biệt đã ngấm sâu, nguồn gốc những ý nghĩ độc hại - nguồn cơn của những lời nói cay cú,... để không khí gia đình luôn được trong lành yên ấm ?

Thứ Tư, 18 tháng 1, 2012

Thẻ từ

Ở căn hộ chung cư CT4 này đã được 4 tháng. Tháng đầu tiên sử dụng thang máy khoảng 2 phần 3 thời gian, còn lại thì leo cầu thang bộ, vì thang máy đang được “bảo dưỡng”. Các tháng sau thang máy chạy êm hơn, không rung lắc, va đập mạnh, không hay bị tắt điện tối om nữa nhưng thỉnh thoảng người nhà đến thăm cũng không ít lần phải leo bộ mà không rõ lý do. Đầu tuần vừa rồi một thông báo được dán ở tầng một, cạnh thang máy “để đảm bảo an ninh, an toàn cho tòa nhà, thang máy đã được lắp thẻ từ, các hộ gia đình đến ban quản lý tòa nhà để nhận và mua thêm thẻ…”. Các gia đình sau khi đọc thông báo đã đến nhận 2 thẻ và mua thêm cho đủ mỗi thành viên gia đình 1 thẻ. Nhưng nhiều người vẫn ấm ức vì không được hỏi ý kiến. Nhiều người cho rằng bất tiện cho sinh hoạt vì mỗi khi có khách lại phải xuống đón. Các căn hộ đều đã tự lắp thêm một cửa sắt bảo vệ bên ngoài, các hộ cũng đóng tiền dịch vụ hàng tháng trong đó có dịch vụ bảo vệ.…
Từ hôm đó đến nay khá nhiều cư dân và khách đến đã phải sử dụng cầu thang bộ vì không có hoặc quên thẻ, chờ mãi không có ai đi thang máy để đi nhờ, lại đang có việc vội, chủ nhà không xuống đón,… Chính mình đã mấy lần giúp những chủ nhân đi nhờ vì tìm mãi không thấy thẻ, hoặc bà cụ đến thăm cháu mà quên không gọi điện thoại trước…
Thẻ từ thang máy đã được sử dụng vài năm gần đây. Lúc đầu chỉ ở những cơ quan đặc thù, những cơ quan mà tường cao, cổng kín và có nhân viên bảo vệ cẩn mật, không phải ai cũng có thể ra vào cơ quan.
Hiện nay ở một số chung cư “cao cấp”, tức là chung cư tự cho là có dịch vụ chất lượng cao, đã có sử dụng thẻ từ để đi thang máy, nghĩa là những “kẻ khả nghi” không thể tự do đi lên các tầng nhà bằng thang máy. Công nghệ mới thật tuyệt vời. Không còn phải như ở chung cư cũ, phải lắp những cửa sắt ở mọi nơi: bên ngoài cửa ra vào căn hộ, ở lối vào đoạn hành lang chung, ở lối vào mỗi tầng,… để làm cho căn hộ trở thành “bất khả xâm phạm. Thẻ từ cũng thay thế những người bảo vệ ngồi cạnh chân thang máy theo dõi người ra vào ở hầu hết các chung cư hiện nay. Các chung cư đó không dùng thẻ từ thì có lẽ an ninh không được “cao cấp”? hay các chung cư đó toàn người nghèo, không cần dịch vụ “chất lượng cao”? Hay những khu vực đó không quá nhiều những “kẻ khả nghi”?
Không biết tiếp theo thẻ từ, công nghệ mới nào sẽ được áp dụng để ngăn ngừa những “kẻ khả nghi”? Không biết mình có phải là một trong những “kẻ khả nghi”?