Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

VTV vạch mặt thất đức của các “nhà ngoại cảm”

Đã không ít bài báo đã  nói về điều này. Nhưng hầu như mọi người chỉ muốn tin vào những nhà ngoại cảm, những "thầy", những "cô" xuất hiện ở khắp mọi nơi, nhưng thể cơ thế thị trường "có cầu thì có cung". Từ các quan chức, các doanh nhân, cả những khà khoa học nữa... ai ai cũng mong được sự phù trợ của thế giới bên kia. 
VTV có đưa lên cảnh báo như thế nào đi nữa thì ở ViệtNam các nhà ngoại cảm, các "thầy", các "cô", các "cậu" vẫn có đất sống và phát triển.
Xem thêm tại đây

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

Món ăn - Bài thuốc



Công dụng tuyệt vời của rau răm
Trong tủ sách nhà mình có nhiều sách về chế biến món ăn. Đọc cuốn sách "Món ăn – Bài thuốc" của Dược sĩ Bùi Kim Tùng thấy nhiều điều thú vị không ngờ. Các thực phẩm thường ngày, đặc biệt là rau cỏ, đều có những dược chất quý. Chỉ riêng miếng trầu các cụ ăn cũng đã là bài thuốc độc đáo khi phân tích dược lý qua sự kết hợp các thành phần như lá trầu, quả cau, vôi sống. Nhờ ăn trầu nên các cụ giữ được hàm răng tốt và bảo vệ được đường ruột không bị các bệnh ký sinh… Rất nhiều các món ăn dân gian từ canh rau đay, dưa chua, bí đỏ, chuối xanh,… thực sự là những công thức khoa học. Ý tưởng của Đông y đã đưa ra từ xa xưa là chữa bệnh bằng "thực trị" nghĩa là bằng cách ăn uống hợp lý. Một số cán bộ cao cấp của ta đã từng được sang tận Trung quốc để chữa các bệnh nan y và cho biết cơ thể đã hồi phục và khỏe mạnh, thoải mái kỳ lạ mà không dùng một loại thuốc nào. Ở bên đó, trong một môi trường trong lành, bệnh nhân được nghỉ ngơi, lao động, tự phục vụ mình, vui vẻ, tin tưởng và tự khỏi bệnh.
Tây y hiện đại đã kế thừa ý tưởng đó và từ lâu đã triển khai ngành khoa học dinh dưỡng với mục tiêu giảm nguy cơ mắc bệnh và hỗ trợ điều trị. Ngành dinh dưỡng học của Y tế góp phần tạo ra ngành công nghiệp mới "wellness" phong cách sống khỏe mạnh, sức khỏe và sắc đẹp.
Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã bảo trợ cho việc nghiên cứu và đưa ra các sản phẩm dinh dưỡng, các sản phẩm đó được gọi là Nutripharma, nghĩa là thực phẩm thuốc, giống như món ăn bài thuốc của cha ông ta. Nhưng ở Việt nam thì các sản phẩm này được gọi là thực phẩm chức năng. Hiện nay trong nước có hàng trăm cơ sở sản xuất y dược trong nước đã kịp thời "đi trước đón đầu" đưa ra hàng ngàn loại "thực phẩm chức năng" để cạnh tranh với các dòng sản phẩm của mấy tập đoàn quốc tế. Và chỉ những ai may mắn tìm hiểu và nắm bắt được cơ hội với những sản phẩm chất lượng, an toàn cao để sớm "thực trị" cho mình thì mới tránh khỏi phải "xạ trị" hoặc "hóa trị" sau này. Như vậy, "thực trị" chính là tầm nhìn xuyên thời gian (từ xa xưa, là món ăn - bài thuốc đến tương lai là xu thế thực phẩm thuốc), và là tầm nhìn xuyên không gian (từ Châu Á với Đông y  đến châu Âu với công nghệ hiện đại Tây y...)

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

Mùa hè

Những ngày nắng nóng dữ dội xen lẫn những ngày mưa mát dịu. Em Mai không đến trường hàng ngày và lại mải miết học hè còn anh Hoàng thì vừa qua giờ phút chấm dứt tuổi học trò và đang đối mặt với các kỳ thi lớn để bước vào lối rẽ mới. Nhà chú Quyết vừa đi biển Hải Hòa, nhà bác Nhật đi Sapa, nhà Tuấn Hiền, Hùng Mai, Lan Quê đi Cửa lò. Còn nhà cô Ngà thì đang náo nhiệt vì có thành viên mới chào đời là cu Bo...

Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2013

Thực phẩm chức năng - sức khỏe và niềm tin


Những ấn tượng
Ấn tượng của nhiều người về thực phẩm chức năng (TPCN) là "gắn với bán hàng đa cấp, một hình thức bán hàng đã từng bị lợi dụng để lừa đảo" và "tác dụng cũng tốt nhưng không được như quảng cáo"; vân vân và vân vân...
Thực phẩm và sức khỏe
Dù là "Ăn để sống" hay "sống để ăn" thì ai cũng cần thực phẩm. Ai cũng muốn sử dụng thực phẩm giàu dinh dưỡng, ít chất độc hại, dễ hấp thụ. Nhưng sự thật không thể chối cãi là chúng ta đang sử dụng quá nhiều thực phẩm kém chất lượng, kể cả những thứ đắt tiền. Mặt khác cách chế biến, tập quán sử dụng thường làm giảm các chất vi dinh dưỡng, tăng độc hại trong thực phẩm.  Và như vậy dù hệ tiêu hóa có làm việc gấp nhiều lần thì cơ thể chúng ta vẫn ở trong tình trạng vừa thiếu các dưỡng chất vừa thừa các chất độc hại. Cộng với sự nhiễm bẩn của không khí, nguồn nước, sự căng thẳng thần kinh, các tế bào trong cơ thể chúng ta ngày càng "ốm yếu", không thể làm tốt chức năng của mìn. Tình trạng đó thường khó nhận biết đầy đủ, chính xác. Tình trạng đó kéo dài chính là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, giảm hiệu quả làm việc và học tập, giảm  tuổi thọ,... Cuối cùng là bệnh viện thì năm sáu người một giường. Ngoài đường thì đầy hiệu thuốc, phòng khám. Làng quê nào cũng xuất hiện các thần y hương  khói suốt ngày đêm. Rồi những câu chuyện than phiền đầy lo lắng.
Niềm tin
Không chỉ lo lắng, cá nhân mỗi người còn chủ động tìm cách đối phó. Hàng ngày, ai cũng cố gắng hạn chế sử dụng thực phẩm chất lượng thấp. Tận dụng mọi điều kiện để tự trồng rau, nuôi gia cầm. Trong thành phố, tại những nơi có khoảng đất chưa sử dụng, tại những vỉa hè góc khuất, trên ban công, sân thượng đều có thể canh tác…  Ai cũng muốn yên tâm khi ăn uống.
Nhưng liệu có thể thực sự yên tâm rằng thực phẩm sử dụng là giàu dinh dưỡng, ít độc hại, dễ hấp thụ?. Ngay cả ở những nước phát triển cao, nơi có điều kiện tốt để bảo vệ và chăm sóc sức khỏe con người thì câu trả lời cũng vẫn là một thách thức. Do đó vấn đề cung cấp các vi chất dinh dưỡng cho cơ thể con người sao cho kịp thời, đầy đủ, an  toàn càng được tập trung nghiên cứu. Và với những thành tựu khoa học và công nghệ cao, TPCN đã ra đời bắt đầu từ các nước như Mỹ, Pháp, Nga… Ngày nay ở các nước phát triển cao, TPCN đã được sử dụng bên cạnh thực phẩm thông thường.
TPCN chỉ gồm dưỡng chất có hoạt tính sinh học cao, được cơ thể hấp thụ hoàn toàn nên TPCN là sự bổ xung tuyệt với cho các thực phẩm thông thường. Từ các tế bào đến các bộ phận, các hệ thống trong cơ thể con người, tùy theo chức năng sẽ được cung cấp các dưỡng chất cần thiết để luôn ở trạng thái hoạt động bình thường. Người ta đã tin như vậy và đã làm cho niềm tin đó thành hiện thực từ hàng chục năm trước. Một số TPCN với trình độ công nghệ cao còn tạo được cơ chế đào thải mạnh, làm cho các tế bào trở nên khỏe mạnh. Một người sử dụng TPCN và sức khỏe được cải thiện hoàn toàn đã gây sự chú ý cho mọi người xung quanh. Người đó tự nhiên trở thành người tư vấn và truyền niềm tin cho những người khác. Cứ như vậy những người đã sử dụng TPCN tạo thành một mạng lưới  nhiều cấp, niềm tin cứ thế lan tỏa nhanh chóng. Do đó, tuy vẫn còn những ấn tượng khác nhau về TPCN nhưng giá trị đích thực của TPCN chính là sức khỏe và niềm tin mà nó đã và đang mang đến cho mọi người.  

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Chỉ tại con gián

Sáng nay bố phải nhắn tin xin phép cô giáo chủ nhiệm để xin cho Hoàng nghỉ học 3 tiết đầu. Vậy là chỉ tại con gián mà Hoàng bị mất 3 tiết học.
Đêm qua trong khi học bài, thấy một con gián xuất hiện trong phòng, Hoàng đã lấy thuốc xịt gián để tiêu diệt nó vì nếu không diệt được nó và những con khác có trong phòng thì sẽ rất khó ngủ. Nhưng mùi thuốc làm mẹ tỉnh giấc và như mọi khi, mẹ gần như hoảng loạn với mùi thuốc diệt gián, mẹ yêu cầu Hoàng phải chuyển sang ngủ ở phòng khác... Tất nhiên là Hoàng phản đối vì đang định dọn phòng và chờ hết mùi sẽ đi ngủ. Lời qua tiếng lại hơn nửa giờ đồng hồ. Thế là sự căng thẳng cao độ đã diễn ra và sau đó bị mất ngủ, mệt mỏi. "...Căng thẳng và mệt mỏi còn độc hại hơn cả hít không khí có mùi thuốc diệt côn trùng...", Hoàng đã viết như vậy trên mẩu giấy ngoài cửa phòng để bố mẹ sáng sớm khi gọi cửa sẽ đọc và sẽ gọi điện xin cô giáo cho nghỉ 3 tiết đầu...  

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

Tết Quý Tỵ 2013

Những ngày giáp tết
Ngoài đường phố, đâu đâu cũng thấy ngợp hoa và cây cảnh. Đào, quất, mai, lan.. từ khắp các vùng miền. Các quầy bán hàng tết cũng la liệt và rực rỡ sắc màu.  Chỗ nào cũng thấy như chợ quê ngày tết với lá dong xanh, gà trống mào đỏ, ngũ quả đủ màu,... Người xem, người mua hỏi nhau ríu rít. 
Trong mỗi nhà đều thấy sự chuẩn bị khẩn trương, từng giờ, từng phút. Ai nấy liên tục mua sắm đồ thờ cúng, lễ tết, kê dọn bày biện đồ đạc trong nhà... Lại phải rất tranh thủ để kịp đi "tết" được nhiều nơi. Đi tết ông bà, chú bác, họ hàng, đi tết các đối tác làm ăn, tết các "ân nhân",... Một công chức đứng tuổi nói "mấy ngày cuối năm chi mấy chục triệu tiền quà" và "chả thu về được đồng nào", tất nhiên mình nhìn thấy trong nhà anh ta có rất nhiều túi đựng rượu bia, bánh, kẹo,...

Những ngày tết
Cúng, lễ. Mua sắm, chuẩn bị mấy ngày liền, đến trưa ngày 30 là bắt đầu các thủ tục chính của tết. Đó là cúng 30, cúng giao thừa, cúng đầu năm,... Các mâm cỗ cúng, bài văn khấn, vàng mã,... đều được chuẩn bị theo kinh nghiệm truyền miệng và cả trên mạng xã hội nữa. Tất nhiên là các teen thì chỉ quan tâm đến tivi để xem Táo quân hoặc tranh thủ vào mạng...
Tụ họp, chúc mừng. Sau giờ giao thừa và sáng mồng một là thủ tục xông nhà và tụ họp chúc mừng anh em họ hàng.
Lễ chùa. Sau khi đã nói lời chúc và trao tiền mừng tuổi (tiền từ các bậc phụ huynh chuyển vào ngân quỹ các con), các đoàn  rồng rắn cùng nhau ra lễ các chùa gần nhất. Đến trưa rồi sang cả chiều nhiều đoàn vẫn còn tiếp tục đi các đền chùa.

Những ngày sau tết
Lễ hội.Hình như tất cả chỉ mong đến dịp này để đi các lễ hội và cầu xin tài lộc. Ngoài việc sửa sang, mở rộng những đền chùa, người ta tiếp tục xây mới nhiều khu tâm linh rất hoành tráng ở khắp nơi.  Và có lẽ ở đâu cũng là cảnh chen lấn, xô đẩy, nhếch nhác và hình như ai cũng say sưa triền miên.
Bạn bè, đồng nghiệp những ngày này cũng liên tục hội  hè. Hội hè ở nhà riêng, hội hè ở nhà hàng, quán xá,... mừng tuổi, chúc tụng rôm rả

Nhà mình
Cành đào nhỏ, bát  hoa xương rồng, 5 bánh chưng gói chung với các nhà, 3 chai rượu Hà Nội, 1 hộp rượu vang Đà Lạt, 1 con gà và tất nhiên có mâm ngũ quả. Trưa 30 cúng miếng thịt lợn. Đêm giao thừa cúng gà. Thế là tươm tất. Năm nay còn có cả cúng giao thừa ngoài ban công. Mua sắm hết trên dưới một triệu đồng. Được mọi người cho thêm gạo, bia, thịt, cá, rau,...
Sáng ngày 1 tết như mọi năm cả nhà vào chúc mừng bà nội và bác cả. Sau đó ghé qua chùa Mỗ Lao, rồi đi xe buyt ra Văn Miếu.
Ngày 2, cả 2 gia đình cùng lên xe khách ở Giáp Bát lúc 9 giờ sáng và 2 giờ chiều về đến ông bà Ngoại. Đến sáng ngày 5 lại từ Thọ Xuân trở ra. Thế là tươm tất. Những năm gần đây tết nào cũng về thăm ông bà ngoại của 2 con, thường là từ mùng 2 đến mùng 4. Có năm về từ 30 đến mùng 4, năm đó hai vợ chồng thay nhau lái trên đường HCM, vừa đi vừa nghỉ.
Năm nay công chức, học sinh nghỉ tết kéo dài đến tận ngày mùng 8 nên đường phố Hà Nội đến ngày mùng 5 vẫn khá yên tĩnh.

Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

Lễ hội gói bánh chưng tết

Cũng vẫn như những năm trước, "Lễ hội" gói bánh chưng tết năm nay đã được chuẩn bị và tiến hành đầy đủ. Tối nay khoảng chín giờ sẽ vớt bánh, chia bánh...  Còn lúc này là 9 giờ sáng, nồi bánh vừa bắt đầu sôi, "đầu bếp" phụ trách khói lửa vẫn là Tiến. Tối hôm qua Tiến cũng tham gia gói 2 cái bánh tuy cái này dày gấp đôi cái kia nhưng tổng khối lượng 2 cái là không đổi. Mặc dù cả 3 cái khuôn gói bánh đều đang bị sử dụng  (mẹ Vân, bác Nga, chị Mai) nhưng bác Ngà, bác Vân Anh,... động viên mạnh quá nên Tiến đã quyết định gói bằng tay "chơi" và sau đó mọi người đã cùng xúm vào giúp hoàn thiện sản phẩm.
Từ 10 kg gạo Vụ bản-Nam định, 3 kg thịt Phúc Thọ cùng 2,5 kg đậu xanh đãi vỏ, đã hóa hợp thành 28 cái bánh chưng to và 2 bánh "baby". Tất nhiên nguyên liệu không thể thiếu là 170 lá dong, 100 lạt, 30 thìa nhỏ muối. Đậu xanh thì ngâm qua đêm rồi cho 7 thìa muối vào đồ lên, đánh tơi, nắm thành 30 nắm.
 Trực tiếp gói bánh còn có chị Tân Linh, anh Hùng,.. Các chuyên gia trong công đoạn cắt lá, xếp lá, hoặc "tư vấn chuyên môn", "hoạt náo viên"... thì rất đông đảo, gồm bà, bác Thiện, bác Oanh, bác Nhật, chị Nhật Anh, Bác Ngà, chị Tú...
Trước khi gói bánh cả nhà đã được chiêu đãi bữa tiệc lòng lợn "độc đáo" và "đáng tiếc", gồm đủ các món dồi, bao tử, lòng non,... do bác Thiện và bác Nga cùng loay hoay cả buổi chiều và kết quả là hai bác rút ra được nhiều kinh nghiệm cho sang năm.

Thứ Ba, 5 tháng 2, 2013

Vườn đào Nhật Tân


Hôm nay đã là 25 tháng chạp, nghĩa là chỉ còn 4 ngày nữa là sang năm mới Quí Tỵ. Vườn đào Nhật Tân nổi tiếng của Hà Nội chắc là chỉ còn lại ít hoa vì phần lớn đã được chuyển đi khắp nơi để kịp tết. Mình nghĩ thế nhưng vẫn quyết định đi thăm, may có cô con gái Hoàng Mai cùng đi. Hai bố con đi xe máy theo nhiều tuyến phố. Đào, quất và đủ các loại hoa tết bán khắp nơi nhưng so với mọi năm thì ít hơn hẳn. Chủ yếu tập trung tại chợ hoa ở các tuyến phố lớn như Hoàng Minh Giám, Lạc Long Quân,.. Đến khu vườn đào ngoài bãi sông mới thực sự được chiêm ngưỡng một vùng trời, ngập sắc hồng của hoa đào, mặc dù trong đó rất nhiều cây hoa đã được đào mang đi bán và để lại các khoảng vườn trống đan xen. Rất tiếc là trời nắng nóng ghê gớm, nên không thể dạo chơi lâu được.


        

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013

Đột nhập táo tợn

Nhà bác An ở sâu trong ngõ cụt, bốn phía kín cổng cao tường, hai bác và vợ chồng Tuấn - Hiền vốn rất cẩn thận, thế mà...
Tối ngày 28 tháng 12 vừa qua đạo chích đã đột nhập nhanh gọn, chuẩn xác! Lúc đó là khoảng 7 giờ tối, cả nhà đang ăn cơm trong phòng ăn. Cháu Hề ăn xong trước, đi ra đứng ở cửa bếp và nhìn ra cổng, bỗng hỏi ông "ông ơi sao cánh cổng không đóng?". Bác An bảo "ừ hôm nay ăn cơm sớm nên ông chưa khóa cổng", nói vậy nhưng bác vẫn nhìn ra cổng và thấy chột dạ kêu lên "ơ hay, rõ ràng lúc nãy ông đã chốt lại rồi mà, ai mở ấy nhỉ?". Cả nhà giật mình, vì không có ai vào ra từ lúc ông đóng cổng và vào ăn cơm! Thế là Tuấn vội chạy lên các phòng kiểm tra hết một lượt, thấy không có gì khác và lại xuống ăn cơm tiếp. Nhưng đang ăn Tuấn lại nhớ ra điều gì lại vội chạy lên phòng mình và phát hiện ra cái ba lô lúc đi làm về để dưới chân ghế đã biến mất. Hôm nào đi làm về chiếc ba lô cũng được để vào đúng chỗ đó và bên trong luôn có một chiếc laptop và một số giấy tờ, nhưng hôm nay lại có thêm cái ví có mấy triệu tiền mặt, mấy cái thẻ ATM, 2 đăng ký xe ô tô, cùng toàn bộ giấy tờ tuỳ thân,...Thế là tất cả đã bị lấy mất ngay trong phòng ngủ.
Một lúc sau công an đến xem xét và đi quanh hàng xóm hỏi han. Ai cũng cho là đạo chích chọn đúng lúc đang ăn cơm, đi từ cổng vào, đi ngang qua sân, lên phòng lấy cái ba lô và thoát ra trót lọt như vậy là rất táo bạo.   
Sự việc làm xôn xao trong xóm. Có người bảo tối hôm đó có nhìn thấy một thanh niên đứng cầm cái ba lô đứng phía ngoài tường rào. Có người suy diễn chắc là ở cơ quan có kẻ muốn lấy cắp số liệu trong máy latop....

Mấy hôm sau Tuấn được gọi đến nhận lại cái ví do một người tốt bụng nhặt được đã mang đến giao cho ngân hàng ANZ vì thấy trong ví có thẻ của ngân hàng ANZ. Thế là toàn bộ giấy tờ xe, CMND, bằng lái đã may mắn không bị mất. Cả nhà còn cảm thấy may mắn hơn khi nghĩ rằng hôm đó nếu như mọi hôm cháu Hề ăn cơn xong trước thường bế em lên phòng thì rất có thể đã giáp mặt kẻ trộm và có thể đã bị nguy hiểm!

Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Linh tính

     Đã hơn 3 tuần không gặp  mà cũng không thấy ông bạn Cường gọi điện, mình thấy lạ. Sáng nay mình gọi điện, định nếu có nhà thì sẽ đến chơi. Nhưng khi gọi thì chỉ nghe thông báo “số điện thoại hiện không liên lạc được” mình linh tính có chuyện gì chăng?. Thế là mình quyết định cứ đến nhà xem thế nào, chẳng biết có ai ở nhà không. Đi xe máy ngoài trời 12 độ cũng khá lạnh dù đã chống rét hết cơ số. Đến nơi thấy cửa đóng nhưng trong nhà đèn sáng, nhìn vào thấy có mẹ vợ của Cường và 2 thanh niên đang ngồi nói chuyện ở bàn. Sau đó, khi vào nhà  mình hỏi mẹ vợ của Cường “Cô đến hôm nào ạ”, “thì từ hôm Cường bị đến nay tôi…”, “Cường bị sao ạ?”, “Anh chưa biết à?”, “Vâng, Cường bị sao ạ?”. Rồi mọi việc xảy ra được lần lượt kể lại.
     Đó là vào chiều ngày 28/12 (cách đây 12 ngày), Cường đi xe máy trên đường Hoàng Quốc Việt thì va chạm với xe ô tô cùng chiều bị ngã và bất tỉnh, đầu và mặt đầy máu. Chủ xe ô tô đưa đi cấp cứu ở bênh viện E và lấy điện thoại trong túi Cường rồi gọi đến một vài số trong đó để báo tin. Thế là người thuê nhà của Cường (ở cùng phố Đào Tấn) nhận được tin, chị ta lại gọi báo cho mẹ vợ Cường…. Cuối cùng thì mọi người trong nhà đã đưa Cường về bệnh viện Việt Đức, rồi sau đó vì kết quả chụp cho thấy máu tụ chỉ một lớp bên ngoài sọ nên không phải mổ và lại chuyển sang bệnh viện Phòng không không quân cho đến hôm nay. Những ngày đầu còn mê sảng, nói không ra tiếng, nhưng bây giờ nói nghe đã rõ tiếng mặc dù có lúc còn nhớ lẫn lộn. Hôm qua bác sĩ đồng ý cho về nhà để tiện chăm sóc.
      Đang nói chuyện thì có điện thoại anh Hùng  (anh trai Cường) báo là Cường đã lên taxi để về nhà. Thế là sau 20 phút đã thấy taxi về đến cửa. Hai thanh niên phải đi hai bên đỡ từng bước chậm, con gái đi bên cạnh. Mặt sây sát, một mắt thâm tím, hai tay cũng đầy vết xước. Cường nhìn mình 2 lần cũng không nhận ra. Mãi đến khi Cường đã nằm im trên đệm rồi còn mọi người đi xuống nhà dưới cả và chỉ còn một mình mình ngồi bên cạnh, Cường chợt nhìn quanh và nhận ra ông bạn và mỉm cười. Thậm chí còn hỏi “Nga dạo này đã làm thêm chỗ nào mới chưa?” mặc dù nói tiếng nghe rất khó nhọc.  Mình hỏi “đang đau lắm hả”,  hắn ta gật đầu. Nhưng một lúc sau thì lại nói những câu vu vơ không ai hiểu...
    Có lẽ nhanh cũng phải một tháng, tức là đến tết thì mới có thể tự đi lại bình thường.

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Để thành tài

Lớp học thêm trong trường và khắp nơi
Cổng trường mặt đất trắng tờ rơi
Gia sư uy tín và kinh nghiệm
Trung tâm, lò luyện, hết chỗ ngồi!

Đi trong sương sớm về sương đêm
Chuông báo thức mà giấc chưa êm
Chẳng mấy bữa con ăn cùng bố mẹ
Nồi cơm chín tới khói tỏa thơm.

Thầy tây dạy ngoại ngữ rất hay
Thầy ta giỏi, luyện thi đêm ngày
Thi thử, thi thêm, thi cọ xát
Chuyên đề, cấp tốc, luyện mê say

Thư viện mênh mông vắng bóng người
Hiệu sách nhiều quầy bán đồ chơi
Bảo tàng cho thuê làm quán nhậu
Thực khách đi ngang gặp “kính mời”

Sách giáo khoa tri thức đầu đời
Qua khứ, tương lai, mặt đất, bầu trời…
Nhưng không phải trọng tâm thi cử
Thì sách còn như mới mua thôi!

Ngày và đêm nghe – chép miệt mài
Thầy cô giới thiệu bao dạng bài,
Trả lời trắc nghiệm bao câu hỏi,
Không thuộc làm sao để thành tài?

Không thuộc làm sao để thành tài,
Làm sao tất cả vì ngày mai,
Chen chân xí chỗ trong thiên hạ
Vai vế so bì chẳng kém ai?

Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

Nhà mới

Yahoo!blog Việt Nam tuyên bố đóng cửa vào ngày 18.1 và thông báo để các chủ blog chuẩn bị tải dữ liệu của mình về. Thế là mọi người nháo nhác tìm chỗ mới để định cư. Từ lâu mình cũng có ý định xí một chỗ bên  WordPress. Thế là nhân dịp này, loay hoay một hồi, cuối cùng cũng cho khai trương lều mới này. Chắc còn phải mất nhiều thời gian nữa thì mới ra nhà ra cửa đàng hoàng. Không biết mọi người thế nào, còn mình thì chỉ riêng cái hình tiêu đề  (Header) đã mất cả buổi mới tìm được cái ảnh tạm ưng ý. Đó là ảnh mình chụp một góc vườn của ngôi nhà  hoang  chìm trong sương mùa đông ở SaPa năm 2009.
Mấy hôm nữa sau khi tải các bài từ Yahoo về  lại còn mất nhiều công để đưa hết lên đây. Hy vọng mình luôn có cảm hứng và thời gian dành cho nhà mới này chứ không như cái nhà cũ bên Yahoo có đến 8 năm rồi mà như nhà hoang chìm trong sương.
Chọn tên nhà mới là Ba lô vì mình thấy học sinh bay giờ đi đâu cũng đeo ba lô, còn mọi người khi đi du lịch không thể thiếu được cái ba lô gọn gàng, tiện lợi mà đầy đủ. Tất nhiên ba lô không phải là ca táp nơi chứa đô la xanh và cà vạt thơm.
Kìa ai ca táp đô la
Chân dài, xế hộp vào ra nhà hàng
Kìa ai trang trại điệp trùng
Nhà thờ, lăng mộ, một vùng kỳ quan
Còn ai khắp chốn dân gian
Ba lô giầy vải bước tràn đường quê
Non cao suối chảy thầm thì
Cuối sông cửa biển nước về đại dương.
Sau khi đọc bài giới thiệu về tác phẩm “Xách ba lô lên và đi” mình càng thấy cái ba lô như một người bạn thân thiết, vô tư của con người. Thật là tuyệt.

5.1.2012
Mình đã tạo một blog trong Zing rồi nhưng lại quên mất tên nên chưa tìm lại được. Thực ra mình không thấy thích Zing lắm, hình như có vẻ “bầy đàn”. Hôm nay đọc “Hướng Dẫn Làm Blogger” thấy hay, vì đây là sản phẩm Blogspost.com của Google nên mình quyết định tạo thêm Balô ở đây để dự phòng.