Thứ Tư, 3 tháng 2, 2010

Triết học và lịch sử (Hồ Ngọc Đại)

(Bài giảng của giáo sư Hồ Ngọc Đại tại trường viết văn Nguyễn Du. Giáo sư đầu bạc trắng, áo trắng, quần trắng, giọng nói sang sảng, giọng điệu hài hước và thẳng thừng).

5 điều cơ bản của buổi học:
1. Sự tương quan giữa triết học và lịch sử.
2. Sự tồi tệ của nghị quyết và chính sách.
3. Sự cần thiết của mở rộng/ phá bỏ tư duy cũ.
4. Phát hiện lớn nhất của con người là Công Nghệ Sinh Đẻ.
5. Ta tạo ra chính mình.


Tôi xin nói ngay là, tôi nói điều tôi nói, còn tiếp nhận hay không là việc của các anh các chị.
Thơ dù đề là "Vô đề/ Không đề" thì vẫn cứ là có đề. Vậy hôm nay bài giảng của tôi có đầu đề là "Triết học và lịch sử".


Có hai vấn đề tôi cho là cơ bản nhất trong các vấn đề cơ bản: triết học và lịch sử. Xin nhớ cho rằng, chúng ta không mày mò điều mà nhân loại đã đi qua. Ta sinh ra thế giới đã có sẵn, anh buộc phải chấp nhận những điều có sẵn đó. Và ta phải chịu quá nhiều sức ép. Dưới những sức ép không gì cưỡng lại đó, ta cứ ngỡ là mình được tự do.

Anh ngồi yên ở đây, anh phải chịu sức ép của không khí, phải chịu lực hút của Trái Đất. Ta thấy điều đó là tự nhiên, ai cũng phải chịu những sức ép ấy, vậy là chẳng ai phải chịu sức ép cả.

Quay lại với triết học và lịch sử. Tính triết học được hiểu là cái lý cuối cùng của cuộc đời (không thấy được bằng mắt); còn lịch sử được hiểu là cái có thật, cái đã/đang/sẽ có thật, hoàn toàn trần trụi.

Mấy ngàn năm nay, nhân loại bao giờ cũng đứng trước hai vấn đề: triết học (tinh thần) và lịch sử (vật chất). Nhà văn như các bạn là phải hiểu vật chất một cách rất tinh thần.

Tôi chẳng hiểu tại sao lại có thứ câu hỏi ngu xuẩn đến thế, không hiểu sao có loại nhà trường ngu như thế! Đấy là cứ đặt ra hai câu hỏi cho học sinh: vật chất có trước hay tinh thần có trước? Cái nào quyết định cái nào? Điên à! Như mấy anh nào cứ hỏi con gà có trước hay quả trứng có trước ấy, hỏi để làm gì?

Lịch sử và triết học tương đương nhau. Hegel nói: "Lịch sử và triết học là hai hình thái tương đương nhau". Anh chị chú ý chữ "hình thái", hay là "hình thức" ở đây. Hôm nay tôi mặc áo màu trắng, ngày mai tôi mặc áo đỏ, hoặc có lúc nào có chị gặp tôi không mặc áo gì cả, vẫn nhận ra tôi. Bởi đó chỉ là hình thức thôi.

Triết học và lịch sử có sự chuyển hóa lẫn nhau. Ngày xưa vợ chồng gọi nhau là "mình" là triết học nhất. Mình mà lại không phải là mình. Bây giờ không còn gọi nhau như thế là bởi nhiều mình quá. Và phải hiểu rằng khi gọi "thằng chồng" là đã ám chỉ có "con vợ" ở trong rồi.

Tư duy quá rạch ròi tạo ra trình độ thấp. Cái nhìn thấy chứa cái không nhìn thấy.

(Giáo sư giơ cánh tay lên) Tôi đố các anh các chị đây là cái gì? (Hội trường: cánh tay). Cánh tay à? À, tôi nghe thấy có chị nào bên dưới bảo đây là cái gối. Đúng đấy, với riêng chị có thể đây là cái gối. Với người khác có thể là gọng kìm, là quả đấm.

Hiểu rõ hai vấn đề, nhìn thấy hai mặt của một sự việc, các anh chị sẽ viết văn thoải mái hơn. Trên đời không có cái gì tồn tại đơn độc hết. Trong đời, cư xử cũng chính là một dạng triết học. Như tôi, giảng bài cho các anh các chị thì là Giáo sư, nói những gì, quay ngang quay dọc ra sao, nhìn ngó thế nào. Tôi về nhà, vợ gọi: "Đại đâu?" là phải "Dạ!" ngay (GS khoanh tay cúi đầu), không thì chết với nó.

Tiếp theo, tôi xin nói về "Siêu hình, biện chứng". Hegel nói, "Toàn bộ triết học thâu tóm vào phương pháp". Có hai phương pháp cơ bản: siêu hình và biện chứng.

  • Siêu hình.

Hegel được coi như "ông trùm của duy tâm". Ông nói: "Các nhà triết học phê bình tôi, họ tưởng tôi cũng ngu như bọn duy vật".

VD: các cô trong đây giữ cho mình một cái ảnh trẻ nhất, đẹp nhất, mỗi khi ai hỏi thì đem ra khoe, hoặc yêu mến ai đem ra tặng. Các cô ngày thường có thể đanh đá, chua ngoa cau có, nhưng bức ảnh chụp lại một tích tắc đẹp và chặn đứng sự vận động của nó (siêu hình). Cái ảnh đó là sự thật, không hề bịa, nhưng lại sai (ngày thường con bé đành hanh, sao trong ảnh lại hiền dịu thế).

  • Biện chứng.

Tức là để sự vật vận động và nghiên cứu nó trong lịch sử. Như thế thật mà không thật. Xem phim là một điển hình về biện chứng giả (thực chất là những siêu hình kế tiếp).

Mấy nghị quyết của Nhà nước giả là vì thế: cuộc sống vận động, nhưng nghị quyết thì đứng. Ngu thế chứ! Điển hình của sự sống là luôn luôn vận động. Hãy xem những nghị quyết như những cuốn tiểu thuyết. Hai đứa đấy lúc đầu gặp nhau thì chúng nó vui, chắc gì cả đời còn lại chúng nó vui?

Mà tư duy kiểu Việt Nam: không sai là đúng, không đúng là sai, có chết không.

Trong văn chương, anh không bao giờ là anh thì anh mới là anh. Anh luôn luôn là anh thì anh chết. Sự ổn định chỉ là ước lệ.

Như vậy, hãy tin vào Triết học, nhưng cũng không nên tin vào Triết học.

Không phải đi đâu xa, cuộc sống chính là lịch sử. Ta sinh ra từ đó và ta sống chết với nó. Cho nên các bà già nông thôn triết học lắm.
Triết học cao thì nhìn cuộc sống rõ. Cuộc sống đích thực thì triết học mới cao được.

Ở thế hệ của chúng ta, cuộc sống vận động rất nhanh. Mác nói: "Rồi có lúc một ngày bằng 20 năm", chính là lúc này đây.

Mác nói: "Lịch sử là tự nhiên". Khái niệm "lịch sử" ở đây chính là cuộc sống thực, là thực tiễn, là hiện thực, là hiện thực khách quan, như các anh chị thường dùng. Hồi đó Mác tí tuổi đầu, chưa tới 30, mà một ông GS 70 tuổi vẫn phải trích dẫn (ý GS tự nói mình) thì các anh chị biết là Mác giỏi thế nào.

Triết lý cuộc sống hết sức đơn giản: muốn gì thì gì, cứ phải sống đã. Ăngghen nói: "Sống là sự trao đổi chất". "Trao đổi" tức là phải có hai bên, có chất trao đổi, có sự vận động về thời gian và không gian.
"Lịch sử là tự nhiên". Thế tức là cái gì tự nhiên nhất thì vĩ đại nhất.

Cứ nống lên là vĩ đại à? Việt Nam buồn cười. Thi đua khác nào kiễng chân lên, có tăng được chiều cao đâu. Nước ta thế, khẩu hiệu càng nhiều, đất nước càng khốn nạn.

Năm 69,70 gì đó, tôi sang Liên Xô học. Những người bạn Liên Xô nói với nhau: "Các bạn ơi, chúng ta nên thương anh Đại. Cái mà chúng ta sắp đổ rồi thì anh Đại sang học".

Họ khuyên tôi nên đọc Platon, Kant, Hegel, Marx- chỉ cần đọc 4 ông ấy thôi, và chú thích cách đọc: thứ nhất, lúc nào chán không còn việc gì làm nữa thì hẵng đọc; thứ hai, đừng đọc theo hệ thống, hãy đọc lung tung bạ đâu đọc đấy.
Tôi không hiểu nổi những lời khuyên của họ. Nhưng chính cách đọc ấy làm tôi mở rộng tư duy, không theo khuôn thước nữa.

Các giáo trình triết học bây giờ buồn cười, bảo sai thì không sai, nhưng mà học chẳng để làm gì.

Có mấy người mời tôi đến dạy, sợ không đủ thù lao. Trời ơi, sinh viên là thù lao lớn nhất đối với tôi. Mà chính ra họ sợ tôi đến làm loạn sinh viên. Sinh viên là bọn dễ nổi loạn nhất.

Trong trường học, các anh chị toàn dạy Dao, Kéo cả, chẳng thấy Mác đâu hết.

Mác nói: từ trước đến giờ, các cuộc cách mạng đều là của số ít, không thấy cuộc cách mạng nào là của số đông. Ông hi vọng ở cuộc cách mạng tư sản Pháp, nhưng về sau ông thất vọng.

Các anh chị xem này, lúc đầu có hai loại người là "chủ nô và nô lệ". Hai loại này bị thay thế bởi "địa chủ và nông dân". Hai loại này lại bị thay thế bởi "tư sản và vô sản". Thế bây giờ muốn tư sản chết mà mỗi vô sản sống thôi à? Vô lý! Thằng đấy chết phải có thằng khác thay vào, hoặc là phải có hai thằng mới.

Có phải về mặt triết học, "nông dân" là phản động, bởi họ đại diện cho phương thức sản xuất cũ nên phải hủy bỏ không?

Ông.... hỏi tôi có gì trách Đảng không. Tôi bảo, tôi giận chứ tôi không trách, mà tôi quý tôi mới giận. Thứ nhất, ngàn đời nay Việt Nam toàn nông dân, nhưng chính sách với nông dân tệ quá. Các vị cũng từ nông dân mà ra chứ đâu. Thứ hai là chính sách với trí thức. Bọn này cực kỳ yêu nước, chỉ phải tội chúng nó hay chửi lung tung, thì Đảng hay cà khịa với chúng nó.

Lúc đầu trên đời không có gì hết, chỉ là một thế giới vô cơ. Sau đó xuất hiện sự sống hữu cơ, rồi có thực vật và động vật. Lịch sử luôn sáng tạo ra cái mới. Đến khi con người ra đời thì toàn bộ cơ sở tự nhiên đã có rồi.

Về mặt lịch sử, ta có cơ thể người. Về mặt triết học, ta có "phạm trù người".

Người là sản phẩm sau cùng của lịch sử tự nhiên. Việc mà toàn bộ lịch sử tự nhiên làm suốt tỉ tỉ năm qua thâu tóm vào trong CÔNG NGHỆ SINH ĐẺ. Đó là tinh túy của lịch sử.

Ta biết rằng ông Trời làm khoán, rất chắc chắn, an toàn tuyệt đối: con bò sẽ đẻ ra con bò, con vịt lại đẻ ra con vịt,... Và muôn loài cho gì hưởng nấy.

Riêng con người tự sinh ra mình, qua lao động. Loài người là loài ương bướng.

Con khỉ đầu tiên đi bằng hai chân, thể nào cũng bị đồng loại phê bình, họp kiểm điểm mạnh lắm. Cũng như cái anh đầu tiên nghĩ tới việc đi xe đạp, khác hẳn việc cưỡi ngựa hoặc đi xe ngựa (vẫn là dùng sức bộ), chắc chắn sẽ bị hàng xóm cười: "Thể nào nó chẳng ngã?".

Nhưng có xe đạp, loài người mới được giải phóng tư duy, rồi mới có ô tô, máy bay, đỡ sức.

Nói về chữ "RA SỨC". "Ra sức" để làm gì, ngu muội! Tôi đi ô tô, tôi nhẹ nhàng khởi động xe, không việc gì phải dùng sức hết. Thế lẽ ra phải đề cao mấy thằng "không ra sức", đằng này lúc nào cũng hô hào "ra sức", có điên không.

Con người ta vĩ đại là ở tinh thần, không ở thể xác. Ông Mác cao có 153cm, nếu đi thi hoa hậu thì ông cao vừa đến eo, mà với mãi hai tay lên chưa chắc đã với được đến chỗ cần với. Nhưng ông vẫn vĩ đại. Như vậy là tinh thần quan trọng hơn cơ thể.

Tôi nói câu này: "Con người là một thực thể tinh thần"- cái này nhiều ông sợ không dám nói. Con người là một thực thể tinh thần, do đó loài người tự sinh ra mình, bất chấp Kinh Thánh.

Ta quen "Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày,..." Tư duy hèn hạ. Lại còn "Nước, phân, cần, giống", nghe thì rất vĩ đại khi khái quát nó lên, nhưng đồng thời cũng rất chung chung. Bao nhiêu "nước"? "Phân" lúc nào?

(Quay lại công nghệ sinh đẻ) Cuối thế kỷ XIX, người ta phát hiện ra cơ chế thụ thai. Trước đó thì có con là việc trời cho. Bây giờ muốn lúc nào có lúc đấy, có hay không đều được. Bây giờ "coi trời bằng vung", dám làm rồi.

Và có công nghệ sản xuất vật chất thì ắt phải có công nghệ sản xuất tinh thần.

Người ta hỏi tôi: 30, 40 năm qua, anh làm được gì? Tôi đáp, ngần ấy năm tôi chỉ làm được có ba chữ thôi.

(Ba chữ gì?)

Có ba chữ thôi.

(Nhưng là ba chữ gì?)

HỒ NGỌC ĐẠI!

(cả hội trường ồ lên vỗ tay).

Tôi xin kết thúc bài giảng ở đây.

(tôi cũng xin kết thúc bài ghi ở đây).

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2009

Một cây có thể nên non?

Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao
Đó là với những con người có niềm tin vào cuộc sống và khi họ được gắn kết với nhau thì sức mạnh chung sẽ vô cùng to lớn.   
Tổ tiên chúng ta đã từng tin tưởng tuyệt đối và đã đúc kết lại như vậy. Nhưng ngày nay lại có nhiều người  thừa nhận đúc kết khác:
“Một người Việt Nam có thể làm việc bằng ba người Hàn Quốc. Nhưng ba người Việt Nam làm việc lại không bằng một người Hàn Quốc”  
Tại sao lại có nghịch lý đó? Phải chăng là người Việt chúng ta gờ đây chỉ muốn làm việc một mình? Hay là vì khi làm việc với nhau, thay vì nghĩ cách để hợp sức thì mỗi người luôn tính toán vì lo sợ người khác chỉ lợi dụng mình, hoặc làm hại mình? Hay vì luôn lo sợ nó sẽ vượt mình và mình sẽ bị kém miếng? Rồi sợ bị lấy mất đi cái gì đó? Nghĩa là không tin ai cả? Trong khi dân trí thấp lại còn mất niềm tin vào nhau?.
Có lẽ đúc kết của cha ông ta xưa kia nay đổi thành
Một cây có thể nên non
Ba cây chụm lại chỉ còn đất hoang?

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2009

20-11, nhớ về một học trò


Năm nay nghỉ không đi dạy nữa và cũng không đi dự các buổi lễ mà trong đó mình luôn bị ngồi trên hàng ghế danh dự và có thể phải lên sân khấu và để "tâm sự" về kỷ niệm trong đời dạy học. Hôm nay ngồi ở nhà thong thả nhớ lại những học trò và những câu chuyện đọng lại trong ký ức

Cô học trò với đôi chân thủy tinh

Hồi ấy mình đến dạy ở trường trung cấp chuyên nghiệp Anhstanh , gần Ngã tư sở. Trong buổi học đầu tiên, mình tra sổ và và gọi tên một học sinh trả lời câu hỏi, “xin mời Nguyễn Lan Anh!”. Một sô gái nhỏ nhắn, trắng trẻo, vẫn ngồi trên ghế và trả lời “xin lỗi thầy, em đau chân không thể đứng được, em xin phép ngồi’, rồi cô trả lời câu hỏi với một phong cách đầy tự tin, gây ấn tượng. Lúc đó tôi chỉ nghĩ có lẽ em bị đau chân bình thường. Đến các buổi học sau tôi để ý thấy Lan Anh luôn được các bạn thay nhau cõng từ cổng trường lên lớp học. Hỏi các học sinh trong lớp mới biết là em bị bệnh giòn xương bẩm sinh, nghĩa là chân rất dễ gãy, hồi nhỏ có tháng gãy ba bốn lần. Nhưng em vẫn học giỏi và hiện đang là sinh viên Đại học ngoại ngữ Hà Nội, nghĩa là học cùng lúc 2 trường. Quê Lan Anh ở huyện Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, gia đình nghèo nên em vừa học vừa đi làm để tự trang trải sinh hoạt. Bằng nghị lực mạnh mẽ, em kiên trì học tập và tiếp thu nhanh chóng những gì được học và vận dụng sáng tạo vào công việc. Năng lực kinh doanh cùng với  khả năng về ngoại ngữ và tin học đã giúp cô được đề bạt làm trưởng phòng thiết kế của một công ty quảng cáo lớn. Trong buổi lễ tốt nghiệp Lan Anh cũng không đến được, cô gửi lời chào tôi và cho biết cô đang bận theo lớp tập huấn năng lực lãnh đạo cho phụ nữ khuyết tật châu Á,  tại Thái Lan. Sau đó ít lâu tôi đọc thấy những bài báo viết về cô như một tấm gương vượt lên số phận với những thành công trong nghề nghiệp và cuộc sống. Trong một bài báo như vậy, tôi nhìn thấy Lan Anh ngồi trên xe lăn với nụ cười rạng rỡ đang ôm đứa con nhỏ trong tay. Tôi nhìn nét mặt xinh xắn, hiền hậu của người mẹ trẻ và thầm chúc mừng cô học trò của mình. Thế là cô đã chiến thắng số phận, tự giành lấy  hạnh phúc cho mình.

Thứ Năm, 15 tháng 10, 2009

Ngày dỗ tổ năm nay

Thật tuyệt vời, ngày dỗ tổ năm nay trùng vào ngày chủ nhật (11/10/2009). Các gia đình đều sẵn sàng về đông đủ, chỉ trừ một số thành viên không thể thu xếp được công việc.

Đúng hẹn, 6 giờ sáng, chiếc xe Getz khởi hành từ nhà bác An, do Tuấn "trọc" lái trên xe có bác Nhật và Nhật Anh. Cùng lúc, từ "trung tâm" nhà bà, chiếc Everest do Hùng lái chở chú Đức, cô Oanh, cô Vân, cô Ngà, Hoàng, Trường, và chiếc Vitara do mình lái chở chú Thiện, cô Vân Anh, Tú, Linh lập thành một đoàn, cũng cùng nhau xuất phát.     
    
Ngày chủ nhật, lại đi sớm, nên đường khá vắng vẻ, chưa đến 8 giờ đã thấy bác An gọi điện cho biết đã về đến nhà và đã gặp Bà. Mình bảo với bác An là, vì còn tranh thủ ghé vào đền Trần nên 2 xe đoàn mình sẽ về muộn một chút.

Loanh quanh chốc lát mà ra khỏi đền Trần thì đã 9 giờ 30, chú Đức bảo mọi người khẩn trương về kẻo muộn quá vì ở quê làm lễ sớm lắm. Nhưng chú lại dẫn mọi người đi ăn phở thế là lại muộn thêm gần một tiếng nữa. Về đến nhà đã gần 11 giờ, may mà khoảng cách từ thành phố Nam định về Nam An chỉ có 7 cây số. Cất xe xong vào chào vợ chồng anh Chinh rồi chạy vội sang nhà thờ. Trong nhà thờ vẫn đông vui như mọi lần. Các cụ đã cúng lễ tổ tiên xong, ngoài sân đang tiến hành lễ khuyến học, trao phần thưởng cho các cháu. Một cháu gái đang phát biểu cảm tưởng khi nhận phần thưởng. Kết thúc lễ khuyến học là đến phần "thụ lộc", các mâm xôi được bê ra đặt trên bàn ngoài sân. Các cháu nhỏ ngồi xung quanh, lần lượt nhận một nắm to và ăn ngon lành. Nhìn bọn trẻ ăn xôi, cô Vân bảo, hôm nay thằng Tiến cứ tiếc mãi không được về để ăn xôi.
Một lúc sau, cỗ bàn được bày ra từng dãy bàn ngoài sân. Các "vai vế" được xếp ngồi vào mâm. Cỗ bàn vẫn được các cô dâu họ Trần tự chế biến như năm ngoái và cũng khá tươm tất. Mấy thùng bia Nada lần lượt cạn trong tiếng chào mời rôm rả. Bác Vinh trưởng tộc cũng ra hô hào "động viên" lớp trẻ... Mình và chú Đức tranh thủ đến chào chú Lượng, chú Nương, chú Phúc... Sau đó tất cả đoàn nhà mình quay về bên nhà, trò chuyện với bác Lênh. Mọi người cũng sang chơi đông vui. Trước khi ra về cả đoàn mời các cụ ra sân cùng chụp ảnh trước ngôi nhà được xây dựng bởi mồ hôi công sức của cụ nhà mình và được họ hàng gìn giữ. Hai phó nháy Linh và Tú thi nhau trổ tài, nhất là Tân Linh luôn làm mọi người cười nghiêng ngả. Vui nhất là bức ảnh "đoàn tàu", Linh xếp bà đứng trước rồi lần lượt theo thứ tự 7 người con. 

Đúng 2 giờ chiều, cả đoàn chào tạm biệt họ hàng  và chuyển bánh.....
Xe mình về đến Hà Nội đã 5 giờ chiều, vì đi đường có vài sự cố. Đó là đi lạc đường, sau khi qua cầu Đò Quan mới, lại rẽ theo hướng đi Ninh BÌnh!. "Sự cố" thứ hai là gặp cơn mưa to mù mịt phải dừng lại hồi lâu rồi sau đó bật đèn và cố bò đi. "Sự cố" thứ ba là đến đoạn Cầu Giẽ, mình để Vân Anh lái xe nên đi chậm như "phụ nữ tập lái".    

Dỗ tổ năm nay vui vì lần đầu tiên đoàn nhà mình về đủ cả 7 anh em cùng với gia đình mỗi người.  Nhưng lại không được vui vì anh em nhà bác Vinh vẫn bất hoà nặng, bên nhà thờ chỉ có vợ chồng anh Vinh, vợ anh Chính, vợ và con trai anh Vĩnh. Không có nhà anh Đình, nhà chị Lan, nhà chị Thu, nhất là không có nhà anh Chinh! Thật đáng tiếc.

Thứ Năm, 10 tháng 9, 2009

Một vụ va chạm giao thông

09/10/2009 08:45 am
Vừa mở cửa phòng chưa kịp bật máy tính lên thì bỗng nghe ngoài đường có riếng “rầm” và tiếng trẻ con khóc thét. Nhìn qua cửa sổ xuống đường và thấy một bác đứng tuổi đang cố nâng chiếc xe đạp lên để bế cháu bé, vừa lẩm bẩm từ  tốn  “đi xe máy thế có chết không”. Chiếc xe máy nằm bên dưới xe đạp và cách đó một đoạn, trên vỉa hè một cậu thanh niên đang nằm và cố gượng dậy. Thì ra 2 xe đi cùng chiều. Xe đạp đi trước chở cháy bé, thấy có ổ gà nên phanh lại và tránh sang trái. Xe máy đi sau với tốc độ cao vội lách sang phải và phanh chết, xe máy đổ nhưng vẫn quệt vào tay lái xe đạp. May là xe máy đã phanh chết nên xe đạp tuy bị đổ xuống nhưng không bị kéo lê. Cậu thanh niên đi xe máy đã đứng dậy được, bác đi xe đạp thì vẫn lẩm bẩm “đi xe máy thế”, ngay lập tức cậu ta vừa chửi “mẹ bố mày...” vừa cầm mũ bảo hiểm quật liên tiếp vào đầu bác xe đạp. May mà có một người đi xe máy vừa đến nơi vội kiên quyết can ngăn đồng thời đỡ cháu bé ngồi lên xe đạp và dục bác đi xe đạp đi ngay.
Tiếng khóc của cháu bé xa dần. Cậu thanh niên dựng xe máy lên và dắt đi đến hiệu sửa xe máy. Tôi nhìn thấy cậu ta khá sáng sủa, có vẻ con nhà tử tế.

Khi con ốm

Đã lâu lồi, con gái mình mới lại ốm nặng như thế này, sốt li bì đến hôm nay sang ngày thứ 4. Uống thuốc hạ sốt chỉ sau vài giờ đồng hồ là lại thấy sốt lại, thân nhiệt lại lên đến trên 39 độ. Cố gắng lắm cũng chỉ ăn được mấy thìa cháo. Người gầy tọp đi. Sáng hôm nay phải cho đi truyền 2 hai chai nước vì sợ con quá mệt. Mà không muốn cho con đi bệnh viện vì nếu chỉ sốt bình thường thì đủ ngày sẽ khỏi, chen chúc trong bệnh viện chẳng giải quyết được gì. Trẻ con hàng xóm cùng lứa với con cũng có đứa bị sốt và cũng chỉ truyền nước, cũng đã đỡ hẳn. Nhưng cũng lo khi nghe mọi người nói có trường hợp chỉ sốt bình thường, không có biểu hiện của cúm H1N1, và khi sốt kéo dài đến khi đi bệnh viện thì quá muộn.  Có lẽ cũng phải cân nhắc lại.

12/9/09 Hôm nay bước sang ngày thứ tám, con chi còn sốt nhẹ, nhưng vẫn còn mệt. Đến tận sáng hôm qua mình mới biết là con bị sốt xuất huyết khi thấy trên da có mẩn đỏ và sau đó là bị chảy máu chân răng. Lúc đó vẫn sốt gần 39 độ. Mình vội đọc ngay mấy bài báo về sốt xuất huyết và biết là con bị nặng ở cấp độ 3/4. Mức cao nhất có thể bị truỵ mạch do đông máu cục bộ,... Thật là nguy hiểm.  
Có lẽ con mình sẽ phải nghỉ học thêm một tuần nữa. Thật tệ hại, môi trường sống đầy dịch bệnh.

Thứ Hai, 7 tháng 9, 2009

Các ông chồng hãy cố gắng


Các ông chồng hãy cố gắng là người đàn ông đích thực trong mắt nàng, cụ thể, Hãy:
1-         là người kiếm được nhiều tiền để cho nàng
o       không phải khổ sở lo nghĩ gì về nhà cửa, xe cộ, tiện nghi sinh hoạt.
o       không cảm thấy tủi thân vì thua chị kém em, nhất là những đồng nghiệp
2-         là người biết cách quan tâm đến nàng hàng ngày, phải có những cử chỉ, lời nói động viên đúng lúc vì nàng là người vợ mà. Khi đi chợ nàng thường thấy khổ sở vì không biết mua cái gì, khi vào bếp một mình, lúc tắt đèn đi ngủ,... tất cả nàng đều cần sự bù đắp.  
3-         là người  chủ động làm lành mặc dù hàng ngày nàng luôn gây sự từ mọi việc thông thường như mình mở cửa sổ lúc sáng sớm để gió buổi sáng vào phòng dễ làm con bị ốm, hay khi mình không đón mà cho phép con mình đi bộ từ trường về nhà cùng các bạn,...
4-         là người luôn vững vàng: không bao giờ được tỏ thái độ khó chịu với nàng mà phải luôn tươi tỉnh nhẹ nhàng vì nàng đã quá đủ khổ sở với cuộc sống hiện tại và mặt nàng luôn nặng nề sắt đá.
5-         là người biết cách dạy con cái học hành, nếu con mà thua kém hoặc bị phê bình thì có nghĩa là “bố vô tích sự” và “mọi việc đều đến tay mẹ”.
6-         là người thực sự xứng đáng với nàng, bởi nếu không có mình thì có lẽ nàng đã lấy được người đàn ông đích thực và cuộc sống sẽ không thua chị kém em.
-...