Tôi lật từng trang vở cũ kỹ của cha tôi để lại. Tuy mải mê
bươn chải kiếm sống nuôi con nhưng cha tôi vẫn cố ghi lại những kinh nghiệm quí báu của nghề
nghiệp, ông viết cả bằng chữ nho cả chữ Việt. Những năm cuối đời, ông cố gắng dành thời gian để dịch sách thuốc
từ chữ nho sang chữ Việt. Hàng trăm trang viết, nét chữ gọn gàng, đều đặn, chứa đựng
bao tâm huyết. Những bài thơ, bài phú diễn giải lý luận đông y học. Cách bắt mạch,
đoán bệnh. Phân tích các bệnh, phân tích các vị thuốc, bài thuốc…
Những năm mười ba, mười bốn tuổi, mỗi khi tôi nghỉ hè, cha
tôi thường tranh thủ giảng giải cho tôi những kiến thức sơ lược về Đông y qua những
bài thơ, bài phú mà ông tâm đắc nhất. Đến bây giờ tôi vẫn thuộc và có lần cao hứng
đọc "cử tiên ngôn giả mạch phù…"
hoặc "ngoại cảm phong hàn, cửu vị thập thần bại độc; nội thương ẩm
thực, ngũ quân, bình vị, bổ trung…" gây thú vị bất ngờ cho các thầy thuốc kỳ cựu.
Nhìn lại từng dòng, từng dòng cha tôi viết, tôi lại thấy
hình ảnh ông đang ngồi viết ngoài sân những buổi chiều. Dáng người gầy gò, vầng
trán rộng, tóc đen mấy sợi lưa thưa. Lúc này cha đã gần bảy mươi, sức đã yếu.
Nét chữ ngày càng cứng và dễ gãy hơn so với trước. Ngồi viết mỏi tay, hoa mắt,
nhưng ông vẫn cố viết hết trang này đến trang khác. Nhiều người đi ngang qua ngõ dừng
lại nhìn ông hồi lâu rồi lặng lẽ đi, họ không muốn ngắt dòng suy tư của ông.
Cha tôi đã chạy đua với
thời gian như vậy. Và giờ đây trước mắt tôi là từng câu, từng chữ, từng nét
mà cha tôi đã đắm đuối viết trong những năm tháng cuối cùng.
Chỉ còn mấy ngày nữa là đến tết Nguyên Đán. Cha tôi đi xa đã mấy chục năm rồi.
Chỉ còn mấy ngày nữa là đến tết Nguyên Đán. Cha tôi đi xa đã mấy chục năm rồi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét