Hiển thị các bài đăng có nhãn chùa chiền. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn chùa chiền. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 13 tháng 7, 2009

Tu tại tâm


So với trước đây, thời "bao cấp",  cuộc sống đang thay đổi rõ rệt mà người ta thường nói là do cơ chế thị trường. Sự thay đổi có đó cũng rất đa dạng. Nếu có dịp đi đâu đó dù bằng ô tô hay tàu hỏa, hãy quan sát các vùng dân cư, hầu như mọi ngôi chùa, ngôi đền đều đã được tôn tạo, mở rộng. Có những vùng quê nghèo xơ xác, bỗng chen lẫn mái ngói đỏ tươi của một ngôi chùa với đường vào khang trang bằng đá lát. Còn với những ngôi chùa nổi tiếng thì thậm chí còn có cả cáp treo và nhà trọ VIP, chắc còn có nhiều thứ khác nữa của cơ chế thị trường.
Đã lâu rồi ta không gặp lại cái cảm giác tĩnh lặng, huyền bí trong không gian các đền chùa. Đó là cảm giác khi bước qua những cổng nhỏ hẹp lại thấy những khoảng sân vườn rộng tít tắp và yên ắng, chỉ có tiếng mõ đều đều đâu đó. Dạo quanh chùa với những bước chân nhẹ nhàng như nín thở, ta cảm thấy như đang ở một thế giới khác... Lặng nhìn những phật tử áo nâu ngồi tụng kinh ta như đang dần siêu thoát.
Đã lâu rối ta cũng quen với không khí chen lấn, lễ lạt, đặc quánh từ ngoài vào trong các đền chùa. Ai ai cũng vậy, cả hàng trăm, hàng nghìn con người, chỉ chăm chăm vào mâm đồ lễ của mình, mua được đồ lễ thì không khó, chỉ cần có tiền, nhưng làm sao chen chân đặt được mâm đồ lễ của mình vào bệ thờ, làm sao chen chân đứng khấn đủ được các bệ thờ, rồi lại lo lấy được mâm ra sao cho còn nguyên vẹn, không bị rơi tiền sang mâm của kẻ khác... Tất cả như đã thành chuyên nghiệp. Xung quanh khu vực đền chùa thì ta bị bao vây bởi mọi thứ dịch vụ, từ ăn uống, nghỉ ngơi, lễ lạt,... Sự mời chào, chèo kéo,... cũng dễ làm ta choáng ngợp.
Cũng lâu rồi, vào khoảng năm 1975, mình có dịp ghé qua đền Bà Triệu khi đạp xe trên đường quốc lộ 1A thuộc Thanh Hóa. Ngôi đền này có được nói trong sách giáo khoa lịch sử. Nó chỉ còn duy nhất một gian thờ lẻ loi đứng trên sườn núi có thể nhìn thấy từ xa, và đền không còn cổng ra vào. Thấy có khách vào, một cụ già trông coi đền từ phía sau ra bảo “các cậu có muốn vào xem thì tôi mở cửa cho mà xem”. Trong đền có rất ít đồ nhưng mình nhớ mãi khi người trông coi chỉ vào bộ lễ phục treo trên tường và bảo “đây đúng là lễ phục của Bà mà đến nay còn giữ lại được” . Mình cũng xem xét khá kỹ những văn hoa và chất liệu của bộ lễ phục.
Mới đây, mình đi tàu qua Thanh Hóa, nhìn qua cửa sổ đến một đoạn đường chợt thấy người và xe cộ phủ kín một vùng núi cùng với tiếng loa oang oang, tiếng trống náo nhiệt. Hóa ra đó chính là đền Bà Triệu và lúc đó chắc đang là hội đền Bà Triệu. Ôi, một khung cảnh hoàn toàn khác xưa. Toàn bộ khu đền được xây dựng gần như mới trên một vùng đất rộng lớn có tường vây kiên cố. Bên trong rất nhiều các mái cong màu đỏ san sát nhau. Cố nhìn  xem có thấy gian thờ xưa kia không, nhưng có lẽ có đã được thay thế bởi các tòa rộng rãi để đón được nhiều khách thập phương hơn, có nhiều chỗ để đặt mâm hơn.
Một lần, mình cùng một anh bạn đi vào ngôi chùa ở phố Hàng Trống, Hà Nội. Hôm đó là ngày dỗ một người bạn của hai chúng tôi và di hài người bạn đó gửi tại ngôi chùa này. Gia đình người quá cố đang cùng với nhà chùa làm các nghi lễ theo hợp đồng thỏa thuận trọn gói trước giữa hai bên. Tôi ngạc nhiện thi thấy anh bạn đi cùng tôi lần lượt đi quanh các ban thờ trong chùa, không đếm xuể có bao nhiêu bàn thờ, mỗi bàn thờ anh đặt vào đĩa 10 nghìn  và bái lạy một cách tự nhiên. Anh ta là giáo viên toán nhưng có tư duy hoàn toàn “thị trường”, nghĩa là "cứ có tiền lót tay là qua hết",  nên anh ta có thu nhập vào loại khá, luôn được coi là đẳng cấp trên trong số chúng tôi. Tôi  nhớ đến cảnh các bãi đỗ xe bên ngoài các khu đền chùa nổi tiếng thường bạt ngàn xe ô ô từ khắp các tỉnh thành gần xa. Có lẽ hầu hết những người đến chùa cầu xin không phải là đối tượng “thu nhập thấp” hoặc “hộ nghèo”.
 Tôi có người em rể là bác sĩ khoa ngoại. Anh cũng hay tranh thủ đi chùa. Anh nói với tôi “cái nghề của em luôn phải chứng kiến những sinh mạng ra đi ngay dưới bàn tay mình. Vào chùa em mong lấy lại được ít nhiều sự thanh thản”.
Tôi nghĩ, có lẽ anh bác sĩ này là người "có tâm" như người ta thường nói. Và anh ta đi cũng chỉ để tự thấy thanh thản.
Tôi bỗng nhớ một bài viết của nhà văn Vương Trí Nhàn có tiêu đề "sự gian dối không của riêng ai", trong đó có nói  rằng cuộc sống hiện nay "tôi gian dối, anh gian dối, nó gian dối". Cậu em tôi làm doanh nhiệp cũng tâm sự "không lừa đảo không làm giàu được". Vậy trong đám đông đội mâm chen nhau cầu xin ở đền chùa kia, có lẽ chủ yếu người ta hầu hết là cầu xin "trót lọt các phi vụ",...
Còn vậy thì sự thanh thản mà anh bác sĩ kia mong muốn chỉ có trong chính anh ta thôi. Tu tại tâm mà.