Hiển thị các bài đăng có nhãn phùng khoang. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn phùng khoang. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 1 tháng 3, 2012

Bánh chưng

Bánh chưng đã gắn liền với những ký ức tuổi thơ của những ai sinh ra và lớn lên từ bốn, năm mươi năm trước. Cái tuổi thơ mà phải chờ đợi suốt cả năm dài để đến tết được ăn bánh chưng. Và khi nói đến bánh chưng ai cũng nói “bánh chưng tết”. Chính vì vậy mà mình dường như vẫn nhớ rõ những khi nhà mình nấu bánh chưng tết. Nhớ rõ động tác cha mình xếp từng chiếc bánh vào nồi, nhớ  hình dáng từng khúc củi to cháy âm ỉ dưới cái nồi mười to tướng bằng đồng…Trong nồi, nước sôi ậm ịch, thỉnh thoảng trào ra xèo xèo.  Lúc đó là đêm ba mươi, giờ phút cuối cùng trước khi bước sang năm mới. Đúng là “tối như đêm ba mươi”, và rét cũng như đêm ba mươi. Mẹ vừa kịp về, dưới ánh sáng mờ của chiếc đèn dầu nhỏ mẹ đang tranh thủ thu dọn hàng để cất đi và để nghỉ ngơi, không đi chợ trong 3 ngày tết…   
Có lẽ ký ức nào thì cũng dần phôi phai theo thời gian. Hơn nữa, giờ đây bánh chưng không còn là món ăn chỉ có trong ngày tết. Nhất là ở thành thị, ai cũng có thể mua và ăn bánh chưng bất cứ lúc nào. Ít ai nghĩ đến chuyện gói và nấu bánh chưng tết. 
Nhưng khi tết Canh dần (2010) đến, cô Ngà đề xuất việc các nhà ở gần chung nhau gói bánh chưng tết. Các nhà đều ủng hộ. Ủng hộ không phải chỉ vì các nhà sẽ có những chiếc bánh chưng tết ngon hơn, an toàn hơn, mà còn vì việc gói và nấu bánh sẽ làm cho những ngày tết thêm vui… Và đúng như vậy, đã hai lần gói bánh chưng tết thực sự đã mang lại niềm vui lớn cho mọi người.
Nhà cô Ngà gói bánh chưng tết đã có thâm niên vì bao nhiêu năm ở Thanh Hóa đã quen với  “tết nghĩa là gói bánh chưng”. Nên vẫn theo thói quen cô đã hăng hái vận động mọi người tham gia. Thế là mọi thứ liên quan đã được chuẩn bị đầy đủ. Gạo nếp, đậu xanh, lá dong được cô Vân mang từ Nam định lên sau chuyến đưa bà về thắp hương tổ tiên. Sau đó thịt lợn cũng được chú Thiện mang về từ Thạch thất,… Toàn những thứ đặc sản “tiến vua”. Các công việc ngâm gạo, đãi đậu, rửa lá,thái thịt… chủ yếu do cô Ngà, Thanh Tú, bác Vân Anh,… xoay xở trong một ngày. Công đoạn gói bánh vào buổi tối thì lại có quá nhiều người tham gia. Trong căn phòng tầng 2 nhà cô Vân, mọi người vào ra khá nhộn nhịp, hình như không thiếu ai. Bà cũng đến để cổ vũ. Mọi người ngồi thành vòng rộng, người thì cắt lá theo mẫu, người xếp lá thành khuôn, người thì gói lại, người thì buộc lạt,…ai cũng tấm tắc tự khen mình. Rồi thay nhau ngắm nghía và đếm từng chiếc bánh thành phẩm. Một số chiếc gói theo cảm hứng, thường là nhỏ xíu và chất lượng chắc là loại “bí mật”. Và chẳng mấy chốc đã vét nốt gạo để gói chiếc bánh cuối cùng.  Những chồng bánh mặc đồng phục xếp hàng ngay ngắn ở giữa nhà.
Sáng hôm sau, bánh được xếp vào nồi và bếp được nổi lửa từ lúc 7 giờ. Cũng may hàng xóm nhà cô Vân sau khi nấu xong bánh thì cho mượn luôn nồi và bếp nấu. Bếp là mấy hòn gạch kê chắc chắn trên vỉa hè ngay bên kia đường, liền với vườn cây các cụ, nên khá rộng rãi, tiện lợi. Nồi bánh sôi đều trong suốt một ngày. Cu Tiến bị gọi dậy sớm để tham gia ca trực đầu tiên. Sau đó  Trường, Linh, Mai, Hoàng, Hùng… đều được yêu cầu xách nước, thêm củi,… Còn mọi người thì bận đi chúc tết, đi chợ nhưng ai cũng tranh thủ ghé qua ngồi trò chuyện, ăn mẩu sắn nướng thơm ngon. Chiều tối chú Quyết lại còn xách chai rượu mời bác Nhật uống… Cuối cùng lệnh tắt bếp được phát ra, bánh được vớt ra rổ, bốc khói nghi ngút.
Vì bánh được mang vào nhà cô Oanh nên trong khi chờ bánh nguội để chia thì các nhà “tiện thể” ăn cơm ở nhà cô Oanh luôn. Tất nhiên trong bữa ăn sẽ có cả bánh chưng nóng để vừa ăn vừa khẳng định chất lượng.
Hôm nay đã là ngày 10 tháng 12 âm lịch Tân Mão, “tết đến nơi rồi”. Sắp đến ngày gói bánh chưng tết.

Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2011

Cánh cò trong phố


Chiều nay, nhìn ra ban công, ngắm khoảng trời hẹp thân quen bỗng thấy một đàn có trắng nhẹ nhàng bay qua. Đàn cò chỉ có khoảng mươi con nhưng vẫn bay bám nhau tạo thành hình cánh cung như từ ngàn xưa. Phía dưới là chi chít những mái nhà đủ loại ken vai sát cánh, thỉnh thoảng nhô lên những tòa nhà cao ốc và dường như không có một ngọn cây. Cò bay về đâu nhỉ?
Mấy năm  trước vùng này hoàn toàn là ngoại ô thành phố. Dân cư thưa thớt, chủ yếu bao quanh nhà thờ Phùng Khoang. Đi qua đây thấy phong cảnh làng mạc với những  khu vườn rậm rạp và rất nhiều hồ nước xanh mênh mông. Ven đường làng là những cánh đồng lúa tít mờ xa. Nhưng giờ đây, tất cả đã biến mất như một ảo ảnh.
Mấy lần bà nội đến chơi, lần nào bà cũng ra ban công và từ trên cao nhìn rất lâu về phía vườn cây các cụ. Vườn cây còn sót lại này bây giờ nhìn vào thấy nhà nhiều hơn cây. Những khoảng đất trống quanh những gốc cây cao to trong vườn lần lượt được thuê để mở xưởng, mở chuồng trại, nơi trông giữ xe ô tô,… nên không ai còn nhận ra đó là một khu vườn.  Bà nội bảo trước đây cò bay về đậu kín cả khu vườn um tùm này, nhưng từ năm ngoái chỉ còn một đàn khoảng gần mười con, mặc cho những mái nhà, những cột khói chen chúc chật khu vườn. Rồi bà khẽ nói  “mấy tháng nay chỉ còn một con vẫn bay đi bay về”. 
Thì ra ngày nào bà cũng lặng lẽ theo dõi con cò đơn độc bay đi bay về ở khu vườn đối diện nhà bà.
Bà năm nay sang tuổi tám mươi bảy, tuy bước chân không còn chắc chắn nữa nhưng vẫn minh mẫn. Những ký ức từ thuở nhỏ hay những câu chuyện về từng đứa con, đứa cháu, và từng lời ông nói khi còn sống,… bà vẫn còn nhớ đầy đủ cả. Nhưng những câu chuyện đó có lẽ bà chỉ giữ cho riêng mình. Những người cùng thời thì giờ đây chỉ còn một hai người lại ở quê hoặc xa tận trong Nam. Con cháu rất đông nhưng cuộc sống bây giờ có quá nhiều mối quan tâm.
 Bà vẫn lặng lẽ dõi theo con cò đơn độc bay đi bay về. Đã mấy lần mình nghe thấy bà nói về con cò ấy.