Thứ Tư, 18 tháng 1, 2012

Thẻ từ

Ở căn hộ chung cư CT4 này đã được 4 tháng. Tháng đầu tiên sử dụng thang máy khoảng 2 phần 3 thời gian, còn lại thì leo cầu thang bộ, vì thang máy đang được “bảo dưỡng”. Các tháng sau thang máy chạy êm hơn, không rung lắc, va đập mạnh, không hay bị tắt điện tối om nữa nhưng thỉnh thoảng người nhà đến thăm cũng không ít lần phải leo bộ mà không rõ lý do. Đầu tuần vừa rồi một thông báo được dán ở tầng một, cạnh thang máy “để đảm bảo an ninh, an toàn cho tòa nhà, thang máy đã được lắp thẻ từ, các hộ gia đình đến ban quản lý tòa nhà để nhận và mua thêm thẻ…”. Các gia đình sau khi đọc thông báo đã đến nhận 2 thẻ và mua thêm cho đủ mỗi thành viên gia đình 1 thẻ. Nhưng nhiều người vẫn ấm ức vì không được hỏi ý kiến. Nhiều người cho rằng bất tiện cho sinh hoạt vì mỗi khi có khách lại phải xuống đón. Các căn hộ đều đã tự lắp thêm một cửa sắt bảo vệ bên ngoài, các hộ cũng đóng tiền dịch vụ hàng tháng trong đó có dịch vụ bảo vệ.…
Từ hôm đó đến nay khá nhiều cư dân và khách đến đã phải sử dụng cầu thang bộ vì không có hoặc quên thẻ, chờ mãi không có ai đi thang máy để đi nhờ, lại đang có việc vội, chủ nhà không xuống đón,… Chính mình đã mấy lần giúp những chủ nhân đi nhờ vì tìm mãi không thấy thẻ, hoặc bà cụ đến thăm cháu mà quên không gọi điện thoại trước…
Thẻ từ thang máy đã được sử dụng vài năm gần đây. Lúc đầu chỉ ở những cơ quan đặc thù, những cơ quan mà tường cao, cổng kín và có nhân viên bảo vệ cẩn mật, không phải ai cũng có thể ra vào cơ quan.
Hiện nay ở một số chung cư “cao cấp”, tức là chung cư tự cho là có dịch vụ chất lượng cao, đã có sử dụng thẻ từ để đi thang máy, nghĩa là những “kẻ khả nghi” không thể tự do đi lên các tầng nhà bằng thang máy. Công nghệ mới thật tuyệt vời. Không còn phải như ở chung cư cũ, phải lắp những cửa sắt ở mọi nơi: bên ngoài cửa ra vào căn hộ, ở lối vào đoạn hành lang chung, ở lối vào mỗi tầng,… để làm cho căn hộ trở thành “bất khả xâm phạm. Thẻ từ cũng thay thế những người bảo vệ ngồi cạnh chân thang máy theo dõi người ra vào ở hầu hết các chung cư hiện nay. Các chung cư đó không dùng thẻ từ thì có lẽ an ninh không được “cao cấp”? hay các chung cư đó toàn người nghèo, không cần dịch vụ “chất lượng cao”? Hay những khu vực đó không quá nhiều những “kẻ khả nghi”?
Không biết tiếp theo thẻ từ, công nghệ mới nào sẽ được áp dụng để ngăn ngừa những “kẻ khả nghi”? Không biết mình có phải là một trong những “kẻ khả nghi”?

Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2011

Cánh cò trong phố


Chiều nay, nhìn ra ban công, ngắm khoảng trời hẹp thân quen bỗng thấy một đàn có trắng nhẹ nhàng bay qua. Đàn cò chỉ có khoảng mươi con nhưng vẫn bay bám nhau tạo thành hình cánh cung như từ ngàn xưa. Phía dưới là chi chít những mái nhà đủ loại ken vai sát cánh, thỉnh thoảng nhô lên những tòa nhà cao ốc và dường như không có một ngọn cây. Cò bay về đâu nhỉ?
Mấy năm  trước vùng này hoàn toàn là ngoại ô thành phố. Dân cư thưa thớt, chủ yếu bao quanh nhà thờ Phùng Khoang. Đi qua đây thấy phong cảnh làng mạc với những  khu vườn rậm rạp và rất nhiều hồ nước xanh mênh mông. Ven đường làng là những cánh đồng lúa tít mờ xa. Nhưng giờ đây, tất cả đã biến mất như một ảo ảnh.
Mấy lần bà nội đến chơi, lần nào bà cũng ra ban công và từ trên cao nhìn rất lâu về phía vườn cây các cụ. Vườn cây còn sót lại này bây giờ nhìn vào thấy nhà nhiều hơn cây. Những khoảng đất trống quanh những gốc cây cao to trong vườn lần lượt được thuê để mở xưởng, mở chuồng trại, nơi trông giữ xe ô tô,… nên không ai còn nhận ra đó là một khu vườn.  Bà nội bảo trước đây cò bay về đậu kín cả khu vườn um tùm này, nhưng từ năm ngoái chỉ còn một đàn khoảng gần mười con, mặc cho những mái nhà, những cột khói chen chúc chật khu vườn. Rồi bà khẽ nói  “mấy tháng nay chỉ còn một con vẫn bay đi bay về”. 
Thì ra ngày nào bà cũng lặng lẽ theo dõi con cò đơn độc bay đi bay về ở khu vườn đối diện nhà bà.
Bà năm nay sang tuổi tám mươi bảy, tuy bước chân không còn chắc chắn nữa nhưng vẫn minh mẫn. Những ký ức từ thuở nhỏ hay những câu chuyện về từng đứa con, đứa cháu, và từng lời ông nói khi còn sống,… bà vẫn còn nhớ đầy đủ cả. Nhưng những câu chuyện đó có lẽ bà chỉ giữ cho riêng mình. Những người cùng thời thì giờ đây chỉ còn một hai người lại ở quê hoặc xa tận trong Nam. Con cháu rất đông nhưng cuộc sống bây giờ có quá nhiều mối quan tâm.
 Bà vẫn lặng lẽ dõi theo con cò đơn độc bay đi bay về. Đã mấy lần mình nghe thấy bà nói về con cò ấy.

Thứ Tư, 2 tháng 3, 2011

Thử thách đầu năm

Cái laptop nhà mình tự nhiên lại giở chứng từ chiều hôm qua. Thế là cho đến đến tận lúc giao thừa, trong lúc phải bận bịu nhiều việc không tên mình luôn phải loay hoay nó, thế mà vẫn không xong! Mình chắc mẩm tết này thế là "nhịn" máy tính rồi.  Có lẽ phải cài lại toàn bộ hệ thống, mà mình lại không có đĩa chuẩn để cài.
Hôm nay dậy sớm, sau bữa điểm tâm đơn giản sáng mùng một, mình quyết định bật máy lên. Màn hình xanh lại hiện ra, với thông báo cần khởi động lại máy để nạp driver cho thiết bị…. Lỗi này thực ra đã có từ hơn một tháng rồi và do quên cắm USB wireless vào máy nên chỉ cần cắm vào và bật lại máy là nó lại việc bình thường. Nhưng loay hoay mãi, cắm rồi rút ra, bật tắt mãi… vẫn không thành công. Chợt nhớ ra tại sao không vào chế độ Safe Mode để cài thử xem…?  Sau khi vào Safe mode mở  tiếp trình quản lý thiết bị mình thấy danh sách các thiết bị mạng, bên cạnh tên thiết bị kết nối wireless (TPLink) mình nhìn thấy ký hiệu "chưa kích hoạt". Thế là mình "Enable" thiết bị này, rồi khởi động lại máy. Tất cả chỉ có vậy và máy tính đã làm việc trở lại, tha hồ đọc báo…  

Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2010

Thử làm xem có ra thơ?

Chúc tâm trạng tốt lành

Bài ngoại ngữ đầu tiên tôi học
là những câu chào hỏi thường ngày
"chúc tâm trạng tốt lành", "chúc một ngày vui vẻ"
và những lời tạm biệt, chia tay,...
Bao ngày qua, bao người tôi gặp
bao nhiêu lời chào hỏi quanh tôi
nhưng không ai "chúc tâm trạng tốt lành"
không ai chúc "một ngày vui vẻ"
dù những nơi ngoại quốc xa xôi
luôn nghe những lời này trong xưởng máy

Người nói và Người nghe

Người nói nhiều khi chẳng biết đâu
chẳng biết người nghe âm thầm đau
nói xong chốc lát quên luôn cả
lời trước, ý sau gió cuốn ào!
Người nghe khắc khoải bao tháng ngày
chạm đến nguồn cơn một lời cay
ngẫm nghĩ sự đời sao ngang trái
đổi trắng thay đen một bàn tay?
Người nói, Người nghe cũng là ta
ta nói, Người nghe phải hiểu ta
Người nói, ta nghe ta chẳng hiểu
Người vẫn là Người, ta vẫn ta

Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2010

Tha thứ (trích blog Mẹ Nấm)

Không ai có thể làm nhẹ lòng mình bằng chính bản thân mình, vì vậy, dù khó khăn, cũng hãy ráng mỉm cười để tập tha thứ (dù chỉ trong chốc lát).Tha thứ - không có nghĩa là quên những gì đã xảy ra.
Và không quên những gì đã xảy ra, không có nghĩa là không chấp nhận tha thứ.

Tha thứ - là hành động nên có của con người đứng trước sự hối lỗi và ân hận.
Có thể, có những người không cần người khác hối lỗi hay ân hận, mặc nhiên cũng đã thứ tha. Loại người này, mình nghĩ không nhiều, nếu có, thì hình như đã đắc đạo.

Tha thứ - với mình, là có cái nhìn bao dung hơn, và để lòng mình nhẹ hơn.
Thật ra thì giữ mãi trong lòng những chuyện khó tha thứ, nó sẽ khiến mình thấy cuộc đời chật hẹp và ngắn ngủi hơn. Vậy đâu có sự lựa chọn nào khác ngoài tha thứ, để làm nhẹ cuộc sống của chính mình.
Hay nói cách khác, không tha thứ thì làm gì được? Nói tha thứ là nói cho cao thượng vậy thôi.

Tha thứ - với mình, không có nghĩa là cho qua mọi chuyện gì dù sao chuyện cũng đã qua rồi.

Tha thứ không cần phải nói bằng lời, nhiều lúc chỉ cần bằng cử chỉ, hành động, đối phương cũng sẽ hiểu. Tuy nhiên, mình nghĩ rằng, mọi thứ khó mà trở lại nguyên vẹn như trước, ngay cả khi đã chấp nhận thứ tha.

Ghen và gét

Cái sự gen và gét luôn có sẵn trong mỗi người, nên người ta mới hay nói "tức máu", "lên cơn",... Mà có lẽ nó chỉ mang lại hậu quả xấu cho cuộc sống. Nên cái sự  gen và gét đã được đúc kết thành những thành ngữ dân gian

1.       Gét cay gét đắng Cay và đắng nhưng  vẫn phải cam chịu.
2.       Gét như đào đất đổ đi Hy vọng là đào được bao nhiêu đất  thì mức độ gét sẽ  giảm bấy nhiêu 
3.       Gét nhau gét cả đường đi lối về. Và gét tất cả mọi thứ liên quan đến "nó", gét cả những ai không gét "nó" như mình, ghét cả "họ hàng hang hốc nhà nó",...
4.       Không ưa thì dưa có dòi Thậm chí cao thành thấp, trắng thành đen,…
5.       Gen ăn tức ở "Nó" làm gì mà vớ được lắm như thế. Trời công bằng lắm, rồi cũng sẽ lấy đi hết cho mà xem
6.       Con gà tức nhau tiếng gáy Vì mình cũng là gà nên nhất định cũng phải  gáy to, cho dù với bất cứ giá nào.
7.       Trâu buộc gét trâu ăn Trâu buộc thì cũng có thức ăn nhưng không ăn nổi vì tức .
8.       Gét nhau cau sáu bổ ra làm mười Bổ thành mười thì cũng chưa phải là gét lắm. Mỗi miếng lại tiếp tục bổ ra làm mười...
9.       Xa thơm gần thối
10. Không ưa thì dưa có dòi

Thứ Năm, 23 tháng 9, 2010

Hà Tây cửa ngõ thủ đô

Thế là đã hơn một năm, Hà Tây được sáp nhập vào Hà Nội. Giờ đây cái tên Hà Tây dần dần rơi vào quên lãng. Không còn được biết đến với dấu ấn một thời "Hà Tây cửa ngõ thủ đô", "Hà Tây quê lụa"... Chẵng lẽ cái tên Hà Tây chỉ có thế thôi sao?
Vừa qua tuyến đường Láng - Hòa Lạc được hoàn thành, có thể coi đó là một trong các tuyến đường hiện đại nhất Hà Nội hiện nay. Khi khánh thành tuyến đường này người ta đặt tên cho nó là đại lộ Thăng Long. Thật tiếc là người ta không đặt tên cho nó là đại lộ Hà Tây. Cái tên Thăng Long thì đã đặt cho quá nhiều công trình lớn nhỏ rồi, đặc biệt là cầu Thăng Long trên đường đi sân bay Nội Bài,... nên dễ gây nhầm lẫn. Trong khi tuyến đường mới này nằm hầu như trên đất Hà Tây và cũng đã được khởi công từ khi Hà Tây chưa về Hà Nội. Đặt tên đại lộ đó là Hà Tây sẽ giữ lại được cho con cháu một cái tên của một vùng đất lịch sử. Thật là tiếc.  Có phải sự lãng quên đó minh chứng về thói vô cảm?