Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2009

Thư chị V.A. gửi Lan

Hà Nội, tháng 8 năm 2009

Lan à,
 
Chị biết là nếu nói chuyện trực tiếp thì Lan sẽ không sẵn sàng nghe hoặc có thể còn lớn tiếng để phủ nhận nên chị có vài dòng cùng Lan. Một phần để có thể giải quyết mọi việc trong phạm vi hai chị em thôi.
Có nằm mơ giữa ban ngày chị cũng không thể tin được là Lan đã làm việc ấy. Lan đã ăn cắp niềm tin của anh chị. Nỗi đau này quá lớn, mất mát này không thể tính được bằng tiền....
Anh chị đã tin cô chú biết bao! Công việc làm ăn, thu chi thế nào cả năm anh chị không hề hỏi đến với niềm tin rất lớn rằng anh em đã làm ăn với nhau thì chỉ biết cùng nhau cố gắng mà thôi.
Chị biết trong gia đình phần lớn mọi người đều thấy những đức tính tốt đẹp của Lan, đều mừng khi chú Đức có vợ biết thu vén, biết đồng cam cộng khổ với chồng để lo việc lớn...Nhưng chị không nghĩ rằng khát vọng làm giàu lại có thể làm cho người ta hành động như vậy...
Anh chị chỉ có  một phần rất nhỏ lợi nhuận từ công ty, chị còn chưa sợ nghèo. Còn cô chú gần như nắm giữ toàn bộ công ty lại phải hành động như vậy để làm xấu hình ảnh của mình đi?
Bỏ qua việc phân tích vì sao anh chị lại góp vốn vào công ty, vì có nhắc lại cô chú cũng chẳng nhớ hoặc bây giờ cô chú đã đủ tiền thì coi những việc đấy là “chuyện nhỏ”...
Đừng hỏi vì sao chị biết việc Lan rút tiền ra gửi tiết kiệm hay việc Lan cho công ty vay tiền (thực chất là tiền của công ty)....vì vấn đề này thuộc nghiệp vụ và linh cảm nghề nghiệp của chị....nhất là sau khi biết Lan vừa là thủ quỹ, vừa kiểm soát chi, vừa được ký ủy quyền Chủ tài khoản.... Anh chị đã mất ngủ bao nhiêu đêm để cố hiểu sự việc theo chiều hướng tốt đẹp...Thôi thì cũng xem đây là một việc rất CON NGƯỜI, nhưng cũng thấy đau lòng vì không hiểu nổi đạo lý ở đây.
Còn những bảng kê của Lan chỉ là công việc của một bà nội trợ thôi, không có lấy 1% tính chuyên nghiệp trong đấy. Một công ty có tới 5 tuổi đời mà quản lý tài chính theo hình thức “nội trợ” thì chị thấy rất lạ. Cô chú bảo phải như thế mới yên tâm, chẳng lẽ những công ty chuyên nghiệp khác người ta khờ cả à? Chị chỉ sợ cô chú “Tham bát bỏ mâm” thôi....
Chú Đức vẫn tuyên bố muốn làm giầu thì phải lừa đảo, nhưng anh chị đâu phải đối tượng để cô chú làm việc ấy? Hơn nữa tiền đâu phải là tất cả cuộc sống. Anh em tay đứt ruột buốt, sao chú ấy có thể cư xử như vậy với anh Nga? Đến bạn bè làm ăn với nhau mà muốn có niềm tin lâu dài còn không ai làm thế. Lẽ nào anh em ruột với nhau... mà anh Nga (coi như không có mặt của chị và hai cháu Hoàng Mai trên đời này đi) đâu có tồi tệ để đến mức bọn em phải đối xử như vậy?
Anh chị chưa bao giờ nghĩ mình sẽ xin điều gì từ cô chú. Sau này giầu có cô chú hưởng. Chị vẫn tự chèo chống bao nhiêu năm nay...  Lúc nào giúp được ai chị vẫn rất cố gắng, và với Đức cũng vậy, đã bao giờ chị từ chối giúp chú ấy khi chị có thể đâu. Vậy mà...
Chị thấy cô chú tin nhiều vào thần thánh, việc lễ bái rất chu đáo và đầy thành kính. Vậy mà sao cô chú lại có thể làm cái việc không ai có thể tin được như vậy?
Xử lý việc này như thế nào chắc em biết cách hơn chị. Chị không muốn cả gia đình biết chuyện này và chị vẫn đang chịu tiếng xấu là nghi ngờ em... Nhưng em hãy một lần đặt mình vào vị trí của chị xem! Cả hai vợ chồng chị đang cắn răng để chịu đựng và im lặng. Có ai trong nhà hiểu cho anh chị? Còn nếu để làm sáng tỏ mọi chuyện thì chị biết rằng hậu quả sẽ vô cùng khủng khiếp. Thế hệ con cháu mình sẽ phải hiểu việc này như thế nào đây? Hay cô chú bất chấp tất cả?
Giả thiết rằng Đức đồng thuận với Lan ...Nếu vậy thì đây sẽ là nỗi đau cả đời của anh Nga khi anh ấy có người ruột thịt như vậy. Chưa bao giờ anh Nga lại nghĩ được nó xảy ra ngay trong nhà mình....
Giả thiết rằng Lan giấu Đức...Lan có biết là Đức tin vợ như thế nào không? Lan có nghĩ là Đức sẽ bị tổn thương khi biết chuyện này không?
 Em nên nhớ chị là người đã từng đi kiểm tra kế toán rất nhiều đơn vị... Việc em chứng minh mọi việc ngược lại mới là khó vì em đâu có nghiệp vụ.
Sự thật vẫn là sự thật. Nếu chị cứ mãi giả vờ như không biết thì có khi Lan lại cười trong bụng rằng anh chị ngu quá....
Vài dòng với Lan vậy.
Chị tiếc cái thời gian chị em mình tin cậy vui vẻ bên nhau để cùng vượt qua bao khó khăn trong cuộc sống ngắn ngủi này... Liệu 10 năm sau nghĩ lại Lan có thấy tiếc không? Cuộc đời này ai cũng chỉ sống có một lần thôi mà.
Chị đã hiểu rõ hơn ý nghĩa của câu Lan thường nói: “Tiền của mình thì mình phải giữ chứ!”. Nhưng cách giữ như vậy có phải là người khôn ngoan không?
Có gì viết trả lời cho chị. Chị không muốn mọi người trong nhà phải quan tâm đến vấn đề này nên chị nghĩ không nên nói chuyện trong nhà.

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2009

Chỉ có thế thôi sao?

Chỉ có thế thôi sao?
Từ tấm bé anh em mình cùng sinh ra lớn lên trong cùng một mái nhà tranh, cùng ăn cơm một nồi do mẹ tần tảo nấu cho, cùng tắm nước giếng khơi. Rồi những ngày tết cùng nhau vui vầy vì đi học xa nhà lâu ngày mới về...những ngày đó anh em mình rất thương yêu nhau.
Rồi anh em mình lớn lên, không thể ở cùng nhau mãi, mà theo quy luật cũng phải lập gia đình riêng. Không khí vui vẻ của những đám cưới vẫn còn đó nhưng mọi thứ bắt đầu thay đổi cho dù ta không nhận ra ngay. Cho đến lúc này thật phũ phàng khi nói anh em mình đã mất nhau rồi, thành người xa lạ rồi! Nghe lời nói của nhau thấy xa lạ giả dối, nhìn nhau cũng không nhận ra người anh em cùng cha cùng mẹ với mình nữa.
Phải chăng chúng ta đều là nạn nhân, bị mê hoặc để không nhận ra nhau nữa, để trở thành công cụ tốt cho những tính toán bẩn thỉu kia? Anh em mình có thể đối xử với nhau bằng những thủ đoạn như đối với người bất kỳ như vậy sao? Có thể tráo trở ăn không nói có nhuần nhuyễn đến thế sao? 
Cuộc đời bon chen này đã biến chúng ta thành như thế sao? Đồng tiền đã chế ngự tất cả thật rồi, cả  trong giấc ngủ sinh vật của chúng ta! Cứ phải đặt tay lên tiền của mình cho chắc kẻo xung quanh người ta hùa nhau moi mất. Tình cảm anh chị em quy ra tiền trở nên vô nghĩa, là thứ đáng bị giễu cợt. Ôi, "tiền mình", "tiền mình",...
Nhưng còn mẹ già đấy, mẹ vẫn láng máng biết những cái mất mát đang diễn ra dù chúng ta với chút lương tâm còn sót lại không muốn để mẹ biết và muốn để mẹ được thanh thản tuổi tám mươi. Nhưng chính mẹ cũng đã bị người ta cố tình lôi vào đấy thôi, làm như nhờ mẹ phân giải hộ. Ngưòi ta tìm cách lợi dụng cái thân hình khô xác của mẹ rồi còn gì?
Bản chất con người khó có thể thay đổi. Kẻ chủ mưu thì mãi mãi vần là chủ mưu. Anh em mình vẫn là nạn nhân, mặc dù, hành động lời nói cũng khá giống với kẻ chủ mưu.Và chúng ta luôn tin là mình đủ tỉnh táo.
Ứơc gì mình tỉnh táo nhận lại mình là ai, mình tự trung hoà được dục vọng bẩn thỉu kia, may ra tìm lại được chút tình cảm anh em ruột thịt mà để lại cho con cái chúng ta, để chúng không bị biến thành những con rô bớt sinh vật và được điều khiển để kiếm tiền.
Nếu thế giới những linh hồn là có thực với sức mạnh vô hình cùa nó, thì ta hãy cầu xin để được tỉnh táo lại 1 phút thôi, 1 phút thôi và để nhận ra ta là ai, là ai?   

Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2009

Sức mạnh tuyệt đối của đồng tiền

Tiền là tiên là phật
(nên tiền luôn nằm trong giấc mộng vàng của ta)
***
Có tiền mua tiên cũng được
(vì tiên cũng cần tiền, tiền, tiền mà!)
***
Đồng tiền nối liền khúc ruột
(chính đồng tiền cũng sẽ cắt mất một đoạn ruột ta, đau quá)
***
Nén bạc đâm toạc tờ giấy
(dù là giấy trắng mực đen, con dấu đỏ)
***
Vai mang túi bạc kè kè
Nói ấm nói ớ người nghe ầm ầm
Trong túi không có một đồng
Lời nói như rồng cũng chẳng có người nghe

(ai chẳng muốn kết thân hoặc chỉ cần bắt tay,  đứng cạnh đại gia)
***
Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn
(cô giáo nói khi nhắc nhở các em đóng tiền học đúng hạn)
          ***
Tiền có sức mạnh như vậy nên
Cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền.

Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2009

Sống với niềm tin

Niềm tin sinh ra cùng con người
Con người sinh ra, lớn lên, chết đi luôn song hành với niềm tin. Một cuộc sống đầy ắp niềm tin.
Khi còn nhỏ, mỗi lần bị bắt nạt, đe dọa ta thường chạy về với cha mẹ, vì ta tin tưởng được bênh vực, che chở.
Khi lớn lên, nhận thức được cái thiện, cái ác thì rất nhiều người tin rằng làm việc thiện sẽ nhận được những điều tốt vì “ở hiền gặp lành” mà. Người ta cho rằng sống phải “tu nhân tích đức”. Còn nếu làm việc ác thì con cháu sẽ gánh chịu hậu quả “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, thậm chí “chết không nhắm được mắt”.
Con người cũng luôn tin vào bản thân mình. Khi niềm tin đó đủ mạnh con người có thể vượt qua những điều kỳ diệu. Biết bao người bị bệnh hiểm nghèo trong tình trạng chỉ còn chờ chết nhưng niềm tin vào bản thân đã giúp họ luyện tập và kéo dài cuộc sống một cách kỳ diệu. Rất nhiều người tật nguyền từ bé nhưng đã tự tin, quyết tâm học hành và thành đạt tới mức kinh ngạc mà cũng chỉ số ít người bình thường có được.
Trong một công việc nhỏ nhất, mức độ tự tin của bản thân mình cũng ảnh hưởng đến kết quả hoàn thành công việc đó. Khi ai đó thường ít tự tin vào bản thân mình, thì người ta thường nói người đó “mắc bệnh” tự ti. Còn nếu tự cho mình là người bỏ lỡ nhiều cơ hội trong cuộc đời thì ta cố suy ngẫm và sẽ nhớ lại được những lúc thiếu tự tin đáng tiếc đã xảy ra.
Con người cũng tin vào đồng loại. Nghĩa là tin rằng người khác cũng có niềm tin giống mình. Cho nên mới có “hợp tác”, “nhờ cậy”, “kết bạn”, “kết hôn”, ...giữa những con người. Ta thường bắt đầu tin vào ai đó thông qua các dấu hiệu như lời nói, cử chỉ. Niềm tin này khi bị suy giảm thì dễ thành “nghi ngờ”, “đa nghi”. Đối với số đông người Việt thì người ngoài không đáng tin bằng “ruột thịt” vì người ngoài là “khác máu tanh lòng”, chỉ có ít người coi trọng “bán anh em xa, mua láng giềng gần”.
Tín ngưỡng là tổng hợp các niềm tin của con người. Tín ngưỡng khiến ta từ bỏ tất cả, “xã thân cầu đạo, xả phú cầu bần”, thậm chí “tử vì đạo”.
Niềm tin thật tốt lành, nhưng niềm tin cũng thật dễ lợi dụng cho những mục đích đa dạng. Niềm tin do ngộ nhận càng dễ bị lợi dụng.
Những kẻ lừa đảo thực ra đã dùng lời nói, dùng danh nghĩa gì đó lợi dụng, chi phối niềm tin của ta,  dễ dàng đưa ta vào con đường họ vạch sẵn, bất chấp những kẻ đó với ta có quan hệ gì đi nữa. Có kẻ còn có “pháp thuật cao siêu” nên chi phối được niềm tin hàng ngàn hàng vạn người để họ bán nhà cửa nộp tiền lại rồi tiếp tục đi khất thực để “cầu đạo”...   
Cuối cùng con người ai cũng ra đi, cũng có thể ra đi với đầy ắp niềm tin. Nhưng cũng có thể ai đó ra đi trống rỗng, không còn chút niềm tin nào.

Thứ Hai, 13 tháng 7, 2009

Tu tại tâm


So với trước đây, thời "bao cấp",  cuộc sống đang thay đổi rõ rệt mà người ta thường nói là do cơ chế thị trường. Sự thay đổi có đó cũng rất đa dạng. Nếu có dịp đi đâu đó dù bằng ô tô hay tàu hỏa, hãy quan sát các vùng dân cư, hầu như mọi ngôi chùa, ngôi đền đều đã được tôn tạo, mở rộng. Có những vùng quê nghèo xơ xác, bỗng chen lẫn mái ngói đỏ tươi của một ngôi chùa với đường vào khang trang bằng đá lát. Còn với những ngôi chùa nổi tiếng thì thậm chí còn có cả cáp treo và nhà trọ VIP, chắc còn có nhiều thứ khác nữa của cơ chế thị trường.
Đã lâu rồi ta không gặp lại cái cảm giác tĩnh lặng, huyền bí trong không gian các đền chùa. Đó là cảm giác khi bước qua những cổng nhỏ hẹp lại thấy những khoảng sân vườn rộng tít tắp và yên ắng, chỉ có tiếng mõ đều đều đâu đó. Dạo quanh chùa với những bước chân nhẹ nhàng như nín thở, ta cảm thấy như đang ở một thế giới khác... Lặng nhìn những phật tử áo nâu ngồi tụng kinh ta như đang dần siêu thoát.
Đã lâu rối ta cũng quen với không khí chen lấn, lễ lạt, đặc quánh từ ngoài vào trong các đền chùa. Ai ai cũng vậy, cả hàng trăm, hàng nghìn con người, chỉ chăm chăm vào mâm đồ lễ của mình, mua được đồ lễ thì không khó, chỉ cần có tiền, nhưng làm sao chen chân đặt được mâm đồ lễ của mình vào bệ thờ, làm sao chen chân đứng khấn đủ được các bệ thờ, rồi lại lo lấy được mâm ra sao cho còn nguyên vẹn, không bị rơi tiền sang mâm của kẻ khác... Tất cả như đã thành chuyên nghiệp. Xung quanh khu vực đền chùa thì ta bị bao vây bởi mọi thứ dịch vụ, từ ăn uống, nghỉ ngơi, lễ lạt,... Sự mời chào, chèo kéo,... cũng dễ làm ta choáng ngợp.
Cũng lâu rồi, vào khoảng năm 1975, mình có dịp ghé qua đền Bà Triệu khi đạp xe trên đường quốc lộ 1A thuộc Thanh Hóa. Ngôi đền này có được nói trong sách giáo khoa lịch sử. Nó chỉ còn duy nhất một gian thờ lẻ loi đứng trên sườn núi có thể nhìn thấy từ xa, và đền không còn cổng ra vào. Thấy có khách vào, một cụ già trông coi đền từ phía sau ra bảo “các cậu có muốn vào xem thì tôi mở cửa cho mà xem”. Trong đền có rất ít đồ nhưng mình nhớ mãi khi người trông coi chỉ vào bộ lễ phục treo trên tường và bảo “đây đúng là lễ phục của Bà mà đến nay còn giữ lại được” . Mình cũng xem xét khá kỹ những văn hoa và chất liệu của bộ lễ phục.
Mới đây, mình đi tàu qua Thanh Hóa, nhìn qua cửa sổ đến một đoạn đường chợt thấy người và xe cộ phủ kín một vùng núi cùng với tiếng loa oang oang, tiếng trống náo nhiệt. Hóa ra đó chính là đền Bà Triệu và lúc đó chắc đang là hội đền Bà Triệu. Ôi, một khung cảnh hoàn toàn khác xưa. Toàn bộ khu đền được xây dựng gần như mới trên một vùng đất rộng lớn có tường vây kiên cố. Bên trong rất nhiều các mái cong màu đỏ san sát nhau. Cố nhìn  xem có thấy gian thờ xưa kia không, nhưng có lẽ có đã được thay thế bởi các tòa rộng rãi để đón được nhiều khách thập phương hơn, có nhiều chỗ để đặt mâm hơn.
Một lần, mình cùng một anh bạn đi vào ngôi chùa ở phố Hàng Trống, Hà Nội. Hôm đó là ngày dỗ một người bạn của hai chúng tôi và di hài người bạn đó gửi tại ngôi chùa này. Gia đình người quá cố đang cùng với nhà chùa làm các nghi lễ theo hợp đồng thỏa thuận trọn gói trước giữa hai bên. Tôi ngạc nhiện thi thấy anh bạn đi cùng tôi lần lượt đi quanh các ban thờ trong chùa, không đếm xuể có bao nhiêu bàn thờ, mỗi bàn thờ anh đặt vào đĩa 10 nghìn  và bái lạy một cách tự nhiên. Anh ta là giáo viên toán nhưng có tư duy hoàn toàn “thị trường”, nghĩa là "cứ có tiền lót tay là qua hết",  nên anh ta có thu nhập vào loại khá, luôn được coi là đẳng cấp trên trong số chúng tôi. Tôi  nhớ đến cảnh các bãi đỗ xe bên ngoài các khu đền chùa nổi tiếng thường bạt ngàn xe ô ô từ khắp các tỉnh thành gần xa. Có lẽ hầu hết những người đến chùa cầu xin không phải là đối tượng “thu nhập thấp” hoặc “hộ nghèo”.
 Tôi có người em rể là bác sĩ khoa ngoại. Anh cũng hay tranh thủ đi chùa. Anh nói với tôi “cái nghề của em luôn phải chứng kiến những sinh mạng ra đi ngay dưới bàn tay mình. Vào chùa em mong lấy lại được ít nhiều sự thanh thản”.
Tôi nghĩ, có lẽ anh bác sĩ này là người "có tâm" như người ta thường nói. Và anh ta đi cũng chỉ để tự thấy thanh thản.
Tôi bỗng nhớ một bài viết của nhà văn Vương Trí Nhàn có tiêu đề "sự gian dối không của riêng ai", trong đó có nói  rằng cuộc sống hiện nay "tôi gian dối, anh gian dối, nó gian dối". Cậu em tôi làm doanh nhiệp cũng tâm sự "không lừa đảo không làm giàu được". Vậy trong đám đông đội mâm chen nhau cầu xin ở đền chùa kia, có lẽ chủ yếu người ta hầu hết là cầu xin "trót lọt các phi vụ",...
Còn vậy thì sự thanh thản mà anh bác sĩ kia mong muốn chỉ có trong chính anh ta thôi. Tu tại tâm mà.

Thứ Tư, 17 tháng 6, 2009

Một thoáng sông Tiền, sông Hậu


Hình ảnh vùng sông nước nam bộ Tiền Giang, Hậu Giang, đã có trong tâm trí mình từ thở nhỏ. Thế mà đến tận bây giờ, mấy chục năm  mình mới có dịp nhìn tận mắt. Mà lại trong một khoảnh khắc khá bất ngờ và vẻn vẹn chỉ trong chưa đầy 20 giờ đồng hồ.
Sáng sớm 8/6 vừa ngủ dậy, chú Đức với vẻ mặt phờ phạc thông báo "hôm nay anh phải vào Cần Thơ ngay, Thằng Toàn bị tai nạn giao thông đêm qua khi đi lấy tài liệu ở xã bên". Mình chưa kịp hỏi thêm, chú Đức lại nói tiếp "bị xe máy đâm, bác sĩ bảo tỉ lệ qua được là 5%", "anh bay vào chuyến 2 giờ chiều nay cùng với bố Toàn".
Buổi sáng hôm đó mình chuẩn bị gấp gáp mọi thứ để đi. Nhưng bác Tám (bố Toàn), đi ô tô từ Nghệ An ra không kịp để bay cùng nên phải đổi vé bay vào chuyến 4 giờ chiều và chỉ bay đến Gài Gòn rồi đi ô tô tiếp vào Cần Thơ. Chuyến bay VN223 hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất lúc 6 giờ chiều. Sài gòn đang giờ đông nghẹt. Xe taxi bò qua các tuyến phố có "lô cốt" kéo dài như vô tận của Sài Gòn.Chạy hơn 200 cây số trên đường 1A, qua nhiều địa danh nổi tiếng thuộc An Giang, Mỹ Tho, Tiền Giang xe qua cầu Mỹ Thuận trên sông Tiền rồi chạy tiếp hơn 40 cây nữa đến phà Cần Thơ. Phà Cần Thơ qua sông Hậu. Một bên là huyện Bình Minh của Vĩnh Long và bên kia là  Thành phố Cần Thơ. Lúc đó đã 10 giờ 30 phút đêm. Xe ô tô tải xếp hàng xuống phà dài hơn 1 cây số. Lái xe trổ hết tài năng chen ngang mà hơn 1 giờ mới xuống được phà. Ban đêm nhìn không rõ lắm, nhưng sông Hậu rộng hơn sông Hồng nhiều. Trên phà nhìn thấy cầu Cần Thơ cách xa khoảng 1 cây số, cây cầu tuy có nhiều “tai tiếng”, nhưng khá đẹp, còn thiếu nhịp chính giữa.
Sang phà, đến bệnh viện thì đã 12 giờ đêm, rất mệt nhưng vẫn phải vào ngay bệnh viện. Thực ra trên đường đi, luôn lo lắng về tình trạng của Toàn nên cũng không có nhiều tâm trí để quan sát.   
Bệnh viện Cần Thơ có quy mô khá lớn và hiện đại, có lẽ mới được xây dựng. Cùng với bác Tám đi theo Nam em của Toàn dọc theo những hành lang rộng lớn có rất nhiều người nằm ngủ và đến khoa “Thần Kinh”. Vừa bước chân vào phòng bệnh nhìn thấy ngay Toàn nằm bất động, đầu băng kín, toàn thân xây sát, bầm dập. Nam lay gọi Toàn, thấy Toàn khẽ gật hoặc lắc. Bác Tám khóc to như đứa trẻ “đi đứng mần răng mà như ri con ơi”... Còn Nam thì kể sơ qua về sự việ xảy ra và nói bệnh viện đã chụp cắt lớp, còn đang theo dõi. Và cả đêm qua mấy anh em cùng thức trắng ở đây, sáng hôm nay anh Thịnh, anh Dương đã về đội rồi, sáng mai sẽ sang. Tất nhiện câu chuyện Nam kể thì không đả động gì đến việc tối hôm đó đội tổ chức sinh nhật Cương, và Toàn sau khi uống rượu vẫn cố đi xe máy để đi lấy tài liệu mặc dù nhiều người đã gàn. Câu chuyện về sinh nhật và uống rượu thì mình biết được là do Hồng Nga kế toán kể lại sau khi gọi cho Thịnh ngay buổi sáng hôm nay để hỏi thăm và sau khi kể cho mình nghe thì một lúc sau lại quay lại bảo mình “anh Thịnh dặn là chuyện uống rượu và sinh nhật thì đừng nói cho ai biết”.
Mình về nhà nghỉ gần bệnh viện để ngủ thì đã 12 giờ 30 phút. Bác Tám thì ở lại bệnh viện.
Sáng hôm sau 9/6....
7 giờ sáng, đi bộ từ nhà nghỉ đến bệnh viện. Rất nhiều quán cà phê mọi người ngồi nhâm nhi cà phê, lặng nhìn ra đường như đang xem phim.
Vào bệnh viện, mọi người cho biết Toàn đã tỉnh táo hơn, nói nhỏ được, muốn ăn cháo...và vừa được thay băng. Bác Tám bảo khi tháo băng ra thấy toàn bộ phần trán, mũi, mắt bị dập hết cả.
Ngồi uống nước chanh đá (chủ yếu là đá) ở quán trước cổng bệnh viện. Đức gọi điện hỏi thăm tình hinh và thông báo mình bay về Hà Nội chuyến 4 giờ chiều luôn vì không mua được vé ngày mai.
Hơn 9 giờ, Thịnh, Dương từ bên đội sang. Nói chuyện xung quanh sự việc xảy ra với Toàn, rồi tình hình công việc ở đội. Thịnh cho biết những khó khăn khi trong một gói thầu có nhiều đơn vị cùng tham gia. Đó là sự không thống nhất cả từ việc trình bày sản phẩm cho đến việc xử lý các sai sót khi bên tư vấn yêu cầu,... Còn về đo đạc thì chỉ còn 2 khu chợ thuộc 2 xã do có tranh chấp nên sẽ đo sau cùng.
10 giờ sáng, bác Tám được mời vào gặp bác sĩ trưởng khoa và được biết sau 2 lần chụp cắt lớp theo dõi bệnh nhân thì trong hộp sọ tuy không có tụ máu nhưng có bọt khí lọt vào do bệnh nhân bị tắc mũi, thở hít vào. Cần theo dõi thêm và nếu não ổn định thì sẽ tiến hành phẫu thuật chỉnh hình mắt và mũi.
Mình quyết định vào gặp bác sĩ Tâm giám đốc bệnh viện, người mà cô Oanh nhà mình đã gọi điện nhờ giúp đỡ.  Về tình trạng của Toàn, bác sĩ Tâm cũng nói giống như bán sĩ trưởng khoa.
11 giờ 15 mình chào bác Tám và Toàn rồi cùng Thịnh đi taxi về đội thăm anh em. Mình muốn đi xe ôm để qua phà cho nhanh, nhưng Thịnh bảo ban ngày qua phà không bị kẹt đâu, đi taxi cho khỏi bị nắng. Nhưng thật là đen đủi, y hệt đêm hôm trước, qua được phà phải hơn một tiếng. Ban ngày qua phà nhìn rõ cảnh ngã năm ngã bảy, mênh mông sông nước Cần Thơ. Dọc đường  đi về Tân Lược, Bình Tân, mình được Thịnh chỉ cho chỗ mà đêm hôm trước Toàn đến lấy tài liệu và bị nạn, chỉ cả chỗ bị nạn vẫn còn những vệt máu.
1 giờ chiều  về đến một đội, nơi ở là nhà văn hóa xã Tân lược rộng rãi và tất nhiên là thoáng mát, kiểu Nam bộ mà.  Anh em đã ăn trưa rồi đi nghỉ, chỉ còn 2 người chờ mình về ăn cùng. Thức ăn nấu khá ngon. Canh chua, rau cải luộc, cá rán,...tất cả theo cách nấu ngoài bắc. Từ lúc vào toàn ăn hủ tiếu thay cơm. Ăn xong thì anh em cũng đã thức dậy và bắt đầu đi làm. 2 người một xe máy và kèm theo máy đo lần lượt lên đường. Chỉ tranh thủ hỏi han được vài câu.
Còn lại mình và Thịnh, 2 anh em nằm nghỉ một lát, đến 2 giờ, Nam đưa mình ra sân bay Cần Thơ bằng xe máy. Đi xe máy theo quốc lộ ngược ra bến phà. Con đường bám theo dòng kênh, trên dòng kênh là dày đặc những chiếc cầu tre nhỏ, cả những chiếc đã được bê tông hóa để nối sang những nếp nhà nhỏ sơ sài. Lần này qua phà bằng xe máy nên không phải chờ lâu, chỉ khoảng 20 phút. Vì chưa biết đường nên phải hỏi thăm đường mấy lần. Lần nào cũng vậy, người chỉ đường dù đang làm gì họ cũng dừng lại, đứng lên và  chỉ bảo rất ân cần chu đáo.
7 giờ 30 phút dã có mặt ở Hà Nội.     

Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2009

Sa Pa, Tả Van, Thác Bạc, Cổng Trời...

Khi biết cả nhà mình định đi SaPa nghỉ trong dịp tết Kỷ Sửu này thì ai cũng đều nói "tết lên Sa Pa để chết rét à?" hoặc "tết thì có gì trên đó?". Cho nên mặc dù có kế hoạch trước nhiều tháng nhưng cũng phải quyết tâm lắm cuối cùng, 9 giờ tối mồng hai tết, hai gia đình gồm 7 thành viên mới chính thức an toạ trên 1,25 buồng của chuyến tàu Hà Nội - Lào Cai. Rất may mấy ngày trước khi đi trời đỡ lạnh hẳn. Khác với nhà chú Đức, với nhà mình thì đây là lần đầu đi Sa Pa nên mọi chuyện đều trong tưởng tượng. Chuyến tàu du lịch vào dịp tết kín hết chỗ. Mình nằm chung buồng với cặp vợ chồng già người châu Âu. Mai và Hoàng từ buồng bên cùng chạy sang chơi thế là họ vui vẻ trò chuyện. Hoàng và Mai cũng được dịp thử vốn tiếng Anh. Ông chồng là người Thuỵ Điển còn bà vợ là người Đức, họ khen Mai là dễ thương.      
Ngày ngày mồng 3 tết.
Tàu dừng bánh tại ga Lào Cai lúc 4 giờ sáng. Bắt đầu đi Sa Pa trên một chiếc xe chờ sẵn ngay cửa ra sân ga. Trời khá lạnh. Chỉ 30 phút thị xã Lào Cai đã ở phía sau và thay vào là bốn bề núi rừng mù mịt. Đường lên cao dần, mây mù giăng dày đặc hơn không nhìn được ra xa nữa. Người lái điều khiển xe chạy theo trí nhớ là chính. Nhiều chỗ cheo leo bên vực sâu, ai cũng kêu hai tai bắt đầu ù đặc. Còn cu Minh lại bảo "tai cháu không bị ù, nó bị tắc thôi". Mình có cảm giác như người được treo lên cao dần.  Cuối cùng Sa Pa đã hiện ra trong đêm, đường phố nhỏ và vắng teo, những khách sạn, nhà nghỉ đứng cheo leo trên đỉnh dốc...
Đã 5 giờ sáng. Xuống khỏi xe ô tô mới cảm thấy lạnh ghê ghớm. Tìm được đến nhà nghỉ Kho Bạc nhưng gọi cửa mãi, rét run lập cập, rồi người trực mới mở cửa và dẫn lên phòng. Chưa vội cất đồ đạc, ai nấy đều nhanh chóng bật lò sưởi và chui vào chăn. Lạnh quá, mặc hết cả áo rét vào để ngủ. Không ngủ nổi nên khi thấy ánh nắng buổi sớm chiếu vào ô cửa thì mình đã dậy khẽ hé cửa sổ tò mò nhìn đường phố Sa Pa vắng vẻ. Lác đác những bộ quần áo dân tộc đi thong thả trên đường phố...Đến 8 giờ sáng mọi người mới hò nhau dậy và đặt nồi lẩu gà để ăn sáng. Thức ăn mang theo gồm gà, dò lụa, xôi, rau cải,… thật là ngon!
Ấm bụng rồi cả đoàn mới bắt đầu xuống phố. Nhà nghỉ ở trung tâm thị xã nên bước chân ra khỏi nhà là quảng trường lớn, nhà thờ và chợ trung tâm. Đứng ngắm các dãy hàng thổ cẩm bày bên lối đi, thấy toàn túi xách, khăn, đồ lưu niệm,... Khách du lịch từng nhóm lưa thưa đi dạo. Trời khá trong, ít mây mù. Nét kiến trúc thời Pháp còn sót lại trên mái nhà Thờ. Giữa quảng trường rất đông thanh niên nam nữ vây quanh một chiếc đu xuân....  Những tốp nam nữ khác đi rải rác quanh những góc phố nhỏ và dốc dựng. Họ từ các làng bản kéo về chơi chợ tết, chụp ảnh, ăn quà,…





Cả đoàn bắt đầu leo núi Hàm Rồng. Đó là khu du lịch sinh thái của SaPa. Đường lên đi qua vườn lan với rất nhiều các loài lan, chỉ tiếc là vào thời điểm này không có một cành hoa nào. Đến vườn đào cổ cũng vậy, những cây đào cổ thụ năm nay cũng chưa ra nhiều hoa. Một khu bảo tồn văn hoá dân tộc với những nếp nhà sàn và những vật dụng sinh hoạt truyền thống. Rất đẹp, rất ấn tượng là khu rừng đá, những khối đá hoang sơ với hình thù kỳ lạ như được ai đó trồng kín quanh lối đi lên. Trời nắng ấm nên lên đến đỉnh Hàm Rồng thì ai cũng vã mồ hôi. Trên đỉnh có “sân mây”, một cái sân rộng có lan can được gắn chênh vênh trên đỉnh núi để du khách đứng ngắm toàn cảnh thị xã SaPa dưới chân. Rất may trời quang mây nên có thể nhìn thấy trước mặt một phong cảnh hùng vĩ, đó là đỉnh Phan xi Phăng nổi tiếng “nóc nhà của Đông Dương”. Gió quá mạnh nên không ai có thể đứng lâu được trên sân mây đó.   
Trên đường xuống cả đoàn chọn một bãi cỏ bằng phẳng để ngồi nghỉ. Ai cũng thấm mệt nên áo rét mang theo được cởi hết ra bày la liệt cùng dày dép nhìn như ngồi chợ bán hàng. Tất nhiên nhữg cảnh độc đáo này đã được chụp ngay. Mọi người chọn một đường xuống khác với lúc đi lên và bất ngờ gặp một vườn đào lớn. Những kiểu ảnh với đào SaPa lại được sáng tạo liên tiếp…Còn Minh và chị Mai còn trốn vào khe đã thò đầu ra chụp ảnh.
Xuống đến phố thì ai cũng đã đói mềm, ghé vào một quán ăn bình dân bên lối đi. Món gà, trứng rán, canh chua thật tuyệt. Món cơm thì không biết loại gạo gì mà ăn như chưa bao giờ được ăn cơm.
Buổi tối không đi đâu, mọi người quây quần quanh tivi xem lại ảnh đã chụp, nhiều cảnh xem đi xem lại, xem xong cứ cười mãi.
Ngày mồng 4 tết
Đêm hôm qua ghủ ngon hơn vì mượn thêm chăn, mối người hai cái. Mọi người dậy muộn, ăn sáng xong đã gần mười giờ. Lại bắt đầu đi dạo phố. Trời hôm nay đã thay đổi hẳn, sương mù dày đặc, không nhìn rõ đường phố.  Cả đoàn quyết định đi về phía bờ hồ. Hồ nước khá rộng với vườn cây bao quanh, phía trên hai bên bờ là đường phố và các trụ sở hành chính thị xã, các khách sạn mới xây,…tất cả đứng dựa lưng vào sườn núi.  Một sân thể thao sơ sài.
Trên đường đi quay về mọi người ghé vào một nhà hàng, vì mới ăn sáng, vẫn chưa đói nên dù đoàn có 7 người chỉ gọi 3 đĩa cơm rang. Nhưng cơm ngon quá, Hoàng, Mai, Minh ăn rất nhanh, người lớn không kịp ăn. Khi ra khỏi nhà hàng, cô Lan còn kịp xin một nắm to cháy cơm, thế là cả đoàn vừa đi trên hè phố vừa chia nhau ăn cháy ngon lành.
Đúng 1 giờ, xe ô tô đặt trước đã đến đón cả đoàn đi Thác Bạc. Lúc này trời hửng nắng. Lại những cung đường cheo leo qua những sườn núi, phía trên là những dàn su su bằng tre nứa bạt ngàn như tấm lưới giăng trùm kín cả vùng núi non.    
Thác Bạc mùa này ít nước nên không đẹp lắm, nhưng ai cũng chồn chân để leo đến chỗ cao nhất.
Đi qua khu du lịch Phan xi Phăng nhưng không vào, đi tiếp đến cổng trời, một vị trí độc đáo, điểm cuối cùng của Lào Cai và bên kia là tỉnh Lai Châu. Một thung lũng lòng chảo rộng lớn đầy mây trắng, phong cảnh khiến ta có cảm giác như đang lên Thiên cung. Nếu có máy ảnh chuyên nghiệp thì chắc sẽ chụp được nhiều ảnh đẹp.
Trên đường quay về người lái xe nhiệt tình ghé qua trại nuôi cá hồi nổi tiếng. Lần đầu tiên mọi người được tận mắt nhìn từng đàn cá hồi, riêng bể cá lớn, có nhiều con dài đến một mét.
Thời gian còn lại, đoàn được đến bản Tả Van của người Mèo. Những ruộng bậc thang như đường lên trời. Những ngôi nhà sàn.  Một chiếc cầu treo đung đưa trên suối, chỉ có mình Hoàng dám đi qua đi lại rất thích thú, còn mọi người chỉ dám “bò” ra một tí , cố đứng để chụp ảnh kỷ niệm. Phía dưới là bãi sỏi rất rộng và có nhiều sỏi đẹp.
Từ Tả Van, xe ô tô đưa chúng tôi đi thăm bãn đá cổ. Bãi đá này có từ lâu, nhưng mới được xây rào bao quanh để bảo vệ. Tuy vậy những hình vẽ bí ẩn trên các phiến đá khổng lồ này đang bị mờ dần do khách tham qua dùng tay xoa để cầu may. 
Ngày mồng 5 tết
Trong khi chờ mọi người ngủ dậy, mình tranh thủ đi bộ dọc con phố cạnh quảng trường để tìm những nét kiến trúc cổ của SaPa. Trời hôm nay lại rất sáng và ấm. Mình đi khá xa, chụp được một số kiểu. Đói bụng, ghé vào chợ ăn một bát phở. Chợ rất nhiều rau xanh, nhìn thật ngon.
Về phòng hô hào cả nhà dậy. Sau khi mọi người đi ăn khoai nướng và chơi chợ thì bắt đầu đi thăm một ngôi chùa hiếm hoi ở SaPa. Rồi lại ghé vào một siêu thị và xem hàng hoá.
Mình rủ Hoàng lên lại núi Hàm Rồng để xem được đầy đủ hơn. Đúng như vậy, hôm nay ở khu bảo tồn văn hoá dân tộc, các dịch vụ đã hoạt động trở lại. Thế là hai bố con vào một nhà sàn để xem biểu diễn múa, hát của đoàn nghệ thuật SaPa. Hoàng lại tham gia trò chơi bắn cung, vào bắn 3 mũi tên nhưng đều trượt cả.
4 giờ chiều xe ô tô chở cả đoàn xuống Lào Cai để lên tàu về Hà Nội. Tạm biệt SaPa giữa bốn bề núi non hùng vĩ. Tai lại ù đặc rồi...