Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

Ông nội, thơ và câu đối

Còn 4 ngày nữa là đến ngày giỗ ông nội của Hoàng và Mai. Có lần mình nói với Hoàng và Mai rằng "ông nội của các con không có hiểu biết gì về thơ văn".
Cuộc đời ông từ năm lên tám tuổi là chuỗi ngày mưu sinh mải miết, làm gì có thời gian tìm hiểu về thơ văn. Từ làng Bái Hạ đồng chiêm nghèo khó, ông bỏ nhà đi lang thang theo đám trẻ kiếm sống trên vỉa hè, đường phố Hà Nội. Sau nhiều năm như vậy, có lẽ vào khoảng năm 1930, ông xin được vào làm phụ bếp cho nhà hàng người Hoa, rồi lại làm phụ bán thuốc Bắc,... ông tự học chữ nho và có thể viết được văn tự, đọc sách thuốc và chú tâm học nghề thầy thuốc,...

Tuy chỉ với vốn chữ nho và chữ quốc ngữ ít ỏi tự học được nhưng ông cũng kịp đọc và biết chút ít về thơ phú.
Khi tuổi cao, định cư hẳn ở Nga Sơn, ông thường hay ngâm thơ và nói về các nhà thơ, nhà nho với những lời ngưỡng mộ.

Một số nhà thơ thường được ông nhắc đến: Bà Huyện Thanh Quan (bài Qua đèo ngang), Hồ Xuân Hương (nhiều bài), Nguyễn Bính (bài Cô lái đò,...)
...
Ông cũng hay ngâm Kiều, hay hát vài câu ca trù (bài "hồng hồng tuyết tuyết..." mà mãi đến khi ngoài 40 tuổi mình mới biết đó là ca trù). Khi đã gần bảy mươi ông thường dịch các bài thơ, phú trong các quyển sách thuốc (chữ nôm) ra chữ quốc ngữ. Cuốn gia phả họ Trần Xuân được ông dịch ra chữ quốc ngữ. Mấy câu đối chữ nho trên tường nhà được ông viết vào khoảng năm 1973.  

Ông thích gặp gỡ các trí thức cũ trong vùng, nhiều lần ông mời bạn về nhà uống rượu, đàm đạo về thơ phú. Ông cũng đã đến chơi nhà ông Tú Loan ở thôn Xa Loan (Nga Thắng, Nga sơn), ông Tú Loan chính là nhà thơ Hữu Loan với bài thơ "Màu tím hoa sim" nổi tiếng và được xếp trong 100 bài thơ Việt hay nhất mọi thời đại. Vì dính vào vụ Nhân văn giai phẩm nên ông Tú Loan trở về quê lấy vợ, sinh con, lên núi đục đá bán kiếm sống và không muốn giao tiếp với ai. 

Mấy bài thơ và câu đối ông nội thường đọc vào dịp tết
1.
Xuân khứ, xuân lai, xuân bất lão
Thấy xuân về náo nức mừng xuân
Khắp mọi nơi già trẻ xa gần
Ai cũng muốn đến ngày xuân mừng tuổi mới
Ngõ ngoài cửa hiền nhân đi lại
Màu tử hồng phảng phất cũng vui thay
Rượu Hoàng Hoa rót chén chào mời
Thơ Bạch Tuyết ngâm cho phỉ chí...

2.
Rượu ngon ngọt miệng nốc mãi vào
Lẩng cẩng ra về ngã xuống ao
May vớ cù tre gò bíu lại
Không thì đổ số tại thiên tào

3. Câu đối
Chưởng thượng kinh luân đa thọ thế
Đường trung khang thái lạc hồi xuân.
Ông nội cũng có làm một số bài thơ, chủ yếu vào dịp các con cái thi đỗ vào đại  học, ví dụ bài "công thành danh toại"), rất tiếc những bài này đã bị thất lạc.

Bài sau đây có lẽ nói về một phụ nữ ở làng bên

Tài sắc cho nên mới dở dom
Dở dom nên mới lắm kẻ dòm
Kẻ dòm nhưng vẫn còn chưa dám
Chưa dám cho nên mới phải nhòm.

Đấy, thơ ca đối với ông nội chỉ có thế thôi. Chỉ để cuộc sống mưu sinh của người lao động bớt nặng nề.

Thứ Năm, 1 tháng 3, 2012

Bánh chưng

Bánh chưng đã gắn liền với những ký ức tuổi thơ của những ai sinh ra và lớn lên từ bốn, năm mươi năm trước. Cái tuổi thơ mà phải chờ đợi suốt cả năm dài để đến tết được ăn bánh chưng. Và khi nói đến bánh chưng ai cũng nói “bánh chưng tết”. Chính vì vậy mà mình dường như vẫn nhớ rõ những khi nhà mình nấu bánh chưng tết. Nhớ rõ động tác cha mình xếp từng chiếc bánh vào nồi, nhớ  hình dáng từng khúc củi to cháy âm ỉ dưới cái nồi mười to tướng bằng đồng…Trong nồi, nước sôi ậm ịch, thỉnh thoảng trào ra xèo xèo.  Lúc đó là đêm ba mươi, giờ phút cuối cùng trước khi bước sang năm mới. Đúng là “tối như đêm ba mươi”, và rét cũng như đêm ba mươi. Mẹ vừa kịp về, dưới ánh sáng mờ của chiếc đèn dầu nhỏ mẹ đang tranh thủ thu dọn hàng để cất đi và để nghỉ ngơi, không đi chợ trong 3 ngày tết…   
Có lẽ ký ức nào thì cũng dần phôi phai theo thời gian. Hơn nữa, giờ đây bánh chưng không còn là món ăn chỉ có trong ngày tết. Nhất là ở thành thị, ai cũng có thể mua và ăn bánh chưng bất cứ lúc nào. Ít ai nghĩ đến chuyện gói và nấu bánh chưng tết. 
Nhưng khi tết Canh dần (2010) đến, cô Ngà đề xuất việc các nhà ở gần chung nhau gói bánh chưng tết. Các nhà đều ủng hộ. Ủng hộ không phải chỉ vì các nhà sẽ có những chiếc bánh chưng tết ngon hơn, an toàn hơn, mà còn vì việc gói và nấu bánh sẽ làm cho những ngày tết thêm vui… Và đúng như vậy, đã hai lần gói bánh chưng tết thực sự đã mang lại niềm vui lớn cho mọi người.
Nhà cô Ngà gói bánh chưng tết đã có thâm niên vì bao nhiêu năm ở Thanh Hóa đã quen với  “tết nghĩa là gói bánh chưng”. Nên vẫn theo thói quen cô đã hăng hái vận động mọi người tham gia. Thế là mọi thứ liên quan đã được chuẩn bị đầy đủ. Gạo nếp, đậu xanh, lá dong được cô Vân mang từ Nam định lên sau chuyến đưa bà về thắp hương tổ tiên. Sau đó thịt lợn cũng được chú Thiện mang về từ Thạch thất,… Toàn những thứ đặc sản “tiến vua”. Các công việc ngâm gạo, đãi đậu, rửa lá,thái thịt… chủ yếu do cô Ngà, Thanh Tú, bác Vân Anh,… xoay xở trong một ngày. Công đoạn gói bánh vào buổi tối thì lại có quá nhiều người tham gia. Trong căn phòng tầng 2 nhà cô Vân, mọi người vào ra khá nhộn nhịp, hình như không thiếu ai. Bà cũng đến để cổ vũ. Mọi người ngồi thành vòng rộng, người thì cắt lá theo mẫu, người xếp lá thành khuôn, người thì gói lại, người thì buộc lạt,…ai cũng tấm tắc tự khen mình. Rồi thay nhau ngắm nghía và đếm từng chiếc bánh thành phẩm. Một số chiếc gói theo cảm hứng, thường là nhỏ xíu và chất lượng chắc là loại “bí mật”. Và chẳng mấy chốc đã vét nốt gạo để gói chiếc bánh cuối cùng.  Những chồng bánh mặc đồng phục xếp hàng ngay ngắn ở giữa nhà.
Sáng hôm sau, bánh được xếp vào nồi và bếp được nổi lửa từ lúc 7 giờ. Cũng may hàng xóm nhà cô Vân sau khi nấu xong bánh thì cho mượn luôn nồi và bếp nấu. Bếp là mấy hòn gạch kê chắc chắn trên vỉa hè ngay bên kia đường, liền với vườn cây các cụ, nên khá rộng rãi, tiện lợi. Nồi bánh sôi đều trong suốt một ngày. Cu Tiến bị gọi dậy sớm để tham gia ca trực đầu tiên. Sau đó  Trường, Linh, Mai, Hoàng, Hùng… đều được yêu cầu xách nước, thêm củi,… Còn mọi người thì bận đi chúc tết, đi chợ nhưng ai cũng tranh thủ ghé qua ngồi trò chuyện, ăn mẩu sắn nướng thơm ngon. Chiều tối chú Quyết lại còn xách chai rượu mời bác Nhật uống… Cuối cùng lệnh tắt bếp được phát ra, bánh được vớt ra rổ, bốc khói nghi ngút.
Vì bánh được mang vào nhà cô Oanh nên trong khi chờ bánh nguội để chia thì các nhà “tiện thể” ăn cơm ở nhà cô Oanh luôn. Tất nhiên trong bữa ăn sẽ có cả bánh chưng nóng để vừa ăn vừa khẳng định chất lượng.
Hôm nay đã là ngày 10 tháng 12 âm lịch Tân Mão, “tết đến nơi rồi”. Sắp đến ngày gói bánh chưng tết.