Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

Xem lịch mỗi ngày


Ta không thể thay đổi được hướng gió, nhưng ta có thể điều khiển được cánh buồm.

Người thành công luôn có câu trả lời cho mọi vấn đề, người thất bại luôn có vấn đề trong mọi
câu trả lời.

Chim hót sau một cơn bão; tại sao con người lại không cảm thấy thoải mái để vui trước những
gì còn sót lại? (Rose F. Kennedy).

Tôi thích đồng hành với những người yêu tôi quá ít hơn là với những người yêu tôi quá nhiều
(Katherine Mansfield)

Một người không có cảm giác hài hước cũng giống như một chiếc xe bò không có nhíp xe vậy.Nó cứ xóc nảy hoài trước mỗi hòn sỏi trên đường.

Người tầm thường ngồi chờ cơ hội. Người ưu tú nắm bắt cơ hội. Người nhạy bén tạo ra cơ hội (Vương Trung Quân)

Sự khôn ngoan khiến người ta tồn tại, nhưng sự đam mê khiến người ta sống (Eluard) 

Làm việc đừng quá trông đợi vào kết quả, nhưng hãy mong cho mình làm được hết sức mình (Anita Hill)

Để hiểu nhau, tôi thích anh hoài nghi để rồi có ngày tin tôi chắc chắn. Tôi không thích anh vội tin để đi đến hoài nghi (M.Gorki).

Nếu ai đùa giỡn với cuộc đời, người đó sẽ không làm xong việc gì cả; ai không làm chủ cuộc đời mình, thì mãi mãi là một nô lệ.

 Không biết không phải là xấu hổ. Không muốn biết mới là điều đáng xấu hổ.

Chúng ta đang chết đuối trong thông tin và đói kiến thức (Goethe)

Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

Ông nội, thơ và câu đối

Còn 4 ngày nữa là đến ngày giỗ ông nội của Hoàng và Mai. Có lần mình nói với Hoàng và Mai rằng "ông nội của các con không có hiểu biết gì về thơ văn".
Cuộc đời ông từ năm lên tám tuổi là chuỗi ngày mưu sinh mải miết, làm gì có thời gian tìm hiểu về thơ văn. Từ làng Bái Hạ đồng chiêm nghèo khó, ông bỏ nhà đi lang thang theo đám trẻ kiếm sống trên vỉa hè, đường phố Hà Nội. Sau nhiều năm như vậy, có lẽ vào khoảng năm 1930, ông xin được vào làm phụ bếp cho nhà hàng người Hoa, rồi lại làm phụ bán thuốc Bắc,... ông tự học chữ nho và có thể viết được văn tự, đọc sách thuốc và chú tâm học nghề thầy thuốc,...

Tuy chỉ với vốn chữ nho và chữ quốc ngữ ít ỏi tự học được nhưng ông cũng kịp đọc và biết chút ít về thơ phú.
Khi tuổi cao, định cư hẳn ở Nga Sơn, ông thường hay ngâm thơ và nói về các nhà thơ, nhà nho với những lời ngưỡng mộ.

Một số nhà thơ thường được ông nhắc đến: Bà Huyện Thanh Quan (bài Qua đèo ngang), Hồ Xuân Hương (nhiều bài), Nguyễn Bính (bài Cô lái đò,...)
...
Ông cũng hay ngâm Kiều, hay hát vài câu ca trù (bài "hồng hồng tuyết tuyết..." mà mãi đến khi ngoài 40 tuổi mình mới biết đó là ca trù). Khi đã gần bảy mươi ông thường dịch các bài thơ, phú trong các quyển sách thuốc (chữ nôm) ra chữ quốc ngữ. Cuốn gia phả họ Trần Xuân được ông dịch ra chữ quốc ngữ. Mấy câu đối chữ nho trên tường nhà được ông viết vào khoảng năm 1973.  

Ông thích gặp gỡ các trí thức cũ trong vùng, nhiều lần ông mời bạn về nhà uống rượu, đàm đạo về thơ phú. Ông cũng đã đến chơi nhà ông Tú Loan ở thôn Xa Loan (Nga Thắng, Nga sơn), ông Tú Loan chính là nhà thơ Hữu Loan với bài thơ "Màu tím hoa sim" nổi tiếng và được xếp trong 100 bài thơ Việt hay nhất mọi thời đại. Vì dính vào vụ Nhân văn giai phẩm nên ông Tú Loan trở về quê lấy vợ, sinh con, lên núi đục đá bán kiếm sống và không muốn giao tiếp với ai. 

Mấy bài thơ và câu đối ông nội thường đọc vào dịp tết
1.
Xuân khứ, xuân lai, xuân bất lão
Thấy xuân về náo nức mừng xuân
Khắp mọi nơi già trẻ xa gần
Ai cũng muốn đến ngày xuân mừng tuổi mới
Ngõ ngoài cửa hiền nhân đi lại
Màu tử hồng phảng phất cũng vui thay
Rượu Hoàng Hoa rót chén chào mời
Thơ Bạch Tuyết ngâm cho phỉ chí...

2.
Rượu ngon ngọt miệng nốc mãi vào
Lẩng cẩng ra về ngã xuống ao
May vớ cù tre gò bíu lại
Không thì đổ số tại thiên tào

3. Câu đối
Chưởng thượng kinh luân đa thọ thế
Đường trung khang thái lạc hồi xuân.
Ông nội cũng có làm một số bài thơ, chủ yếu vào dịp các con cái thi đỗ vào đại  học, ví dụ bài "công thành danh toại"), rất tiếc những bài này đã bị thất lạc.

Bài sau đây có lẽ nói về một phụ nữ ở làng bên

Tài sắc cho nên mới dở dom
Dở dom nên mới lắm kẻ dòm
Kẻ dòm nhưng vẫn còn chưa dám
Chưa dám cho nên mới phải nhòm.

Đấy, thơ ca đối với ông nội chỉ có thế thôi. Chỉ để cuộc sống mưu sinh của người lao động bớt nặng nề.

Thứ Năm, 1 tháng 3, 2012

Bánh chưng

Bánh chưng đã gắn liền với những ký ức tuổi thơ của những ai sinh ra và lớn lên từ bốn, năm mươi năm trước. Cái tuổi thơ mà phải chờ đợi suốt cả năm dài để đến tết được ăn bánh chưng. Và khi nói đến bánh chưng ai cũng nói “bánh chưng tết”. Chính vì vậy mà mình dường như vẫn nhớ rõ những khi nhà mình nấu bánh chưng tết. Nhớ rõ động tác cha mình xếp từng chiếc bánh vào nồi, nhớ  hình dáng từng khúc củi to cháy âm ỉ dưới cái nồi mười to tướng bằng đồng…Trong nồi, nước sôi ậm ịch, thỉnh thoảng trào ra xèo xèo.  Lúc đó là đêm ba mươi, giờ phút cuối cùng trước khi bước sang năm mới. Đúng là “tối như đêm ba mươi”, và rét cũng như đêm ba mươi. Mẹ vừa kịp về, dưới ánh sáng mờ của chiếc đèn dầu nhỏ mẹ đang tranh thủ thu dọn hàng để cất đi và để nghỉ ngơi, không đi chợ trong 3 ngày tết…   
Có lẽ ký ức nào thì cũng dần phôi phai theo thời gian. Hơn nữa, giờ đây bánh chưng không còn là món ăn chỉ có trong ngày tết. Nhất là ở thành thị, ai cũng có thể mua và ăn bánh chưng bất cứ lúc nào. Ít ai nghĩ đến chuyện gói và nấu bánh chưng tết. 
Nhưng khi tết Canh dần (2010) đến, cô Ngà đề xuất việc các nhà ở gần chung nhau gói bánh chưng tết. Các nhà đều ủng hộ. Ủng hộ không phải chỉ vì các nhà sẽ có những chiếc bánh chưng tết ngon hơn, an toàn hơn, mà còn vì việc gói và nấu bánh sẽ làm cho những ngày tết thêm vui… Và đúng như vậy, đã hai lần gói bánh chưng tết thực sự đã mang lại niềm vui lớn cho mọi người.
Nhà cô Ngà gói bánh chưng tết đã có thâm niên vì bao nhiêu năm ở Thanh Hóa đã quen với  “tết nghĩa là gói bánh chưng”. Nên vẫn theo thói quen cô đã hăng hái vận động mọi người tham gia. Thế là mọi thứ liên quan đã được chuẩn bị đầy đủ. Gạo nếp, đậu xanh, lá dong được cô Vân mang từ Nam định lên sau chuyến đưa bà về thắp hương tổ tiên. Sau đó thịt lợn cũng được chú Thiện mang về từ Thạch thất,… Toàn những thứ đặc sản “tiến vua”. Các công việc ngâm gạo, đãi đậu, rửa lá,thái thịt… chủ yếu do cô Ngà, Thanh Tú, bác Vân Anh,… xoay xở trong một ngày. Công đoạn gói bánh vào buổi tối thì lại có quá nhiều người tham gia. Trong căn phòng tầng 2 nhà cô Vân, mọi người vào ra khá nhộn nhịp, hình như không thiếu ai. Bà cũng đến để cổ vũ. Mọi người ngồi thành vòng rộng, người thì cắt lá theo mẫu, người xếp lá thành khuôn, người thì gói lại, người thì buộc lạt,…ai cũng tấm tắc tự khen mình. Rồi thay nhau ngắm nghía và đếm từng chiếc bánh thành phẩm. Một số chiếc gói theo cảm hứng, thường là nhỏ xíu và chất lượng chắc là loại “bí mật”. Và chẳng mấy chốc đã vét nốt gạo để gói chiếc bánh cuối cùng.  Những chồng bánh mặc đồng phục xếp hàng ngay ngắn ở giữa nhà.
Sáng hôm sau, bánh được xếp vào nồi và bếp được nổi lửa từ lúc 7 giờ. Cũng may hàng xóm nhà cô Vân sau khi nấu xong bánh thì cho mượn luôn nồi và bếp nấu. Bếp là mấy hòn gạch kê chắc chắn trên vỉa hè ngay bên kia đường, liền với vườn cây các cụ, nên khá rộng rãi, tiện lợi. Nồi bánh sôi đều trong suốt một ngày. Cu Tiến bị gọi dậy sớm để tham gia ca trực đầu tiên. Sau đó  Trường, Linh, Mai, Hoàng, Hùng… đều được yêu cầu xách nước, thêm củi,… Còn mọi người thì bận đi chúc tết, đi chợ nhưng ai cũng tranh thủ ghé qua ngồi trò chuyện, ăn mẩu sắn nướng thơm ngon. Chiều tối chú Quyết lại còn xách chai rượu mời bác Nhật uống… Cuối cùng lệnh tắt bếp được phát ra, bánh được vớt ra rổ, bốc khói nghi ngút.
Vì bánh được mang vào nhà cô Oanh nên trong khi chờ bánh nguội để chia thì các nhà “tiện thể” ăn cơm ở nhà cô Oanh luôn. Tất nhiên trong bữa ăn sẽ có cả bánh chưng nóng để vừa ăn vừa khẳng định chất lượng.
Hôm nay đã là ngày 10 tháng 12 âm lịch Tân Mão, “tết đến nơi rồi”. Sắp đến ngày gói bánh chưng tết.

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012

Không khí trong lành, nội và ngoại

Đức Đạt Lai Lạt Ma có nói:
 “Thế giới này có quá nhiều thứ xấu xa đã xảy ra chỉ vì chúng ta luôn phân biệt “chúng nó” và “chúng ta”. Phân biệt giữa chủng tộc này với chủng tộc khác, dân tộc này với dân tộc khác, thậm chí gia đình này với gia đình khác, người này với người khác..".
Quả thật, "gia đình yên ấm" luôn là điều mong ước của mọi người, vậy mà điều đó dường như không dễ dàng. Nhiều người tự hỏi, tại sao mình đã cố hết sức, và cũng đã làm được nhiều điều tốt (như làm ra được nhiều tiền, chăm lo hết thảy cho con cái,...), nhưng cuộc sống gia đình lại chẳng mấy khi được yên ấm?
Một trong những chuyện khá phổ biến trong các gia đình chính là sự phân biệt "nên nội" và "bên ngoại", "bên trọng - bên khinh". Điều này có ở phụ nữ nhiều hơn và nhất là những người sinh ra trước thời kỳ "mở cửa" đầy khó khăn. Thực tế tất nhiên không bao giờ cả bên nội bên ngoại đều ngang nhau về mọi mặt, kể cả những khi tưởng như hai bên "môn đăng, hộ đối". Đã là "bên khinh" thì luôn có những khiếm khuyết. Và đôi khi có những khiếm khuyết của "bên khinh" mà  "đến chết cũng không bỏ qua được"... Chính vì nuôi dưỡng những ấm ức trong người nên lúc nào ta cũng có thể "gây chuyện". Lời nói cay độc giống như độc tố trong không khí bị nhiễm thì dễ lây nhiễm vào người mà thường xuyên hít thở không khí đó, có thể gây những hậu quả đau lòng như các vụ việc mà ta vẫn thấy trên mặt báo hàng ngày...
    Làm thế nào để loại bỏ được sự phân biệt đã ngấm sâu, nguồn gốc những ý nghĩ độc hại - nguồn cơn của những lời nói cay cú,... để không khí gia đình luôn được trong lành yên ấm ?

Thứ Tư, 18 tháng 1, 2012

Thẻ từ

Ở căn hộ chung cư CT4 này đã được 4 tháng. Tháng đầu tiên sử dụng thang máy khoảng 2 phần 3 thời gian, còn lại thì leo cầu thang bộ, vì thang máy đang được “bảo dưỡng”. Các tháng sau thang máy chạy êm hơn, không rung lắc, va đập mạnh, không hay bị tắt điện tối om nữa nhưng thỉnh thoảng người nhà đến thăm cũng không ít lần phải leo bộ mà không rõ lý do. Đầu tuần vừa rồi một thông báo được dán ở tầng một, cạnh thang máy “để đảm bảo an ninh, an toàn cho tòa nhà, thang máy đã được lắp thẻ từ, các hộ gia đình đến ban quản lý tòa nhà để nhận và mua thêm thẻ…”. Các gia đình sau khi đọc thông báo đã đến nhận 2 thẻ và mua thêm cho đủ mỗi thành viên gia đình 1 thẻ. Nhưng nhiều người vẫn ấm ức vì không được hỏi ý kiến. Nhiều người cho rằng bất tiện cho sinh hoạt vì mỗi khi có khách lại phải xuống đón. Các căn hộ đều đã tự lắp thêm một cửa sắt bảo vệ bên ngoài, các hộ cũng đóng tiền dịch vụ hàng tháng trong đó có dịch vụ bảo vệ.…
Từ hôm đó đến nay khá nhiều cư dân và khách đến đã phải sử dụng cầu thang bộ vì không có hoặc quên thẻ, chờ mãi không có ai đi thang máy để đi nhờ, lại đang có việc vội, chủ nhà không xuống đón,… Chính mình đã mấy lần giúp những chủ nhân đi nhờ vì tìm mãi không thấy thẻ, hoặc bà cụ đến thăm cháu mà quên không gọi điện thoại trước…
Thẻ từ thang máy đã được sử dụng vài năm gần đây. Lúc đầu chỉ ở những cơ quan đặc thù, những cơ quan mà tường cao, cổng kín và có nhân viên bảo vệ cẩn mật, không phải ai cũng có thể ra vào cơ quan.
Hiện nay ở một số chung cư “cao cấp”, tức là chung cư tự cho là có dịch vụ chất lượng cao, đã có sử dụng thẻ từ để đi thang máy, nghĩa là những “kẻ khả nghi” không thể tự do đi lên các tầng nhà bằng thang máy. Công nghệ mới thật tuyệt vời. Không còn phải như ở chung cư cũ, phải lắp những cửa sắt ở mọi nơi: bên ngoài cửa ra vào căn hộ, ở lối vào đoạn hành lang chung, ở lối vào mỗi tầng,… để làm cho căn hộ trở thành “bất khả xâm phạm. Thẻ từ cũng thay thế những người bảo vệ ngồi cạnh chân thang máy theo dõi người ra vào ở hầu hết các chung cư hiện nay. Các chung cư đó không dùng thẻ từ thì có lẽ an ninh không được “cao cấp”? hay các chung cư đó toàn người nghèo, không cần dịch vụ “chất lượng cao”? Hay những khu vực đó không quá nhiều những “kẻ khả nghi”?
Không biết tiếp theo thẻ từ, công nghệ mới nào sẽ được áp dụng để ngăn ngừa những “kẻ khả nghi”? Không biết mình có phải là một trong những “kẻ khả nghi”?

Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2011

Cánh cò trong phố


Chiều nay, nhìn ra ban công, ngắm khoảng trời hẹp thân quen bỗng thấy một đàn có trắng nhẹ nhàng bay qua. Đàn cò chỉ có khoảng mươi con nhưng vẫn bay bám nhau tạo thành hình cánh cung như từ ngàn xưa. Phía dưới là chi chít những mái nhà đủ loại ken vai sát cánh, thỉnh thoảng nhô lên những tòa nhà cao ốc và dường như không có một ngọn cây. Cò bay về đâu nhỉ?
Mấy năm  trước vùng này hoàn toàn là ngoại ô thành phố. Dân cư thưa thớt, chủ yếu bao quanh nhà thờ Phùng Khoang. Đi qua đây thấy phong cảnh làng mạc với những  khu vườn rậm rạp và rất nhiều hồ nước xanh mênh mông. Ven đường làng là những cánh đồng lúa tít mờ xa. Nhưng giờ đây, tất cả đã biến mất như một ảo ảnh.
Mấy lần bà nội đến chơi, lần nào bà cũng ra ban công và từ trên cao nhìn rất lâu về phía vườn cây các cụ. Vườn cây còn sót lại này bây giờ nhìn vào thấy nhà nhiều hơn cây. Những khoảng đất trống quanh những gốc cây cao to trong vườn lần lượt được thuê để mở xưởng, mở chuồng trại, nơi trông giữ xe ô tô,… nên không ai còn nhận ra đó là một khu vườn.  Bà nội bảo trước đây cò bay về đậu kín cả khu vườn um tùm này, nhưng từ năm ngoái chỉ còn một đàn khoảng gần mười con, mặc cho những mái nhà, những cột khói chen chúc chật khu vườn. Rồi bà khẽ nói  “mấy tháng nay chỉ còn một con vẫn bay đi bay về”. 
Thì ra ngày nào bà cũng lặng lẽ theo dõi con cò đơn độc bay đi bay về ở khu vườn đối diện nhà bà.
Bà năm nay sang tuổi tám mươi bảy, tuy bước chân không còn chắc chắn nữa nhưng vẫn minh mẫn. Những ký ức từ thuở nhỏ hay những câu chuyện về từng đứa con, đứa cháu, và từng lời ông nói khi còn sống,… bà vẫn còn nhớ đầy đủ cả. Nhưng những câu chuyện đó có lẽ bà chỉ giữ cho riêng mình. Những người cùng thời thì giờ đây chỉ còn một hai người lại ở quê hoặc xa tận trong Nam. Con cháu rất đông nhưng cuộc sống bây giờ có quá nhiều mối quan tâm.
 Bà vẫn lặng lẽ dõi theo con cò đơn độc bay đi bay về. Đã mấy lần mình nghe thấy bà nói về con cò ấy.

Thứ Tư, 2 tháng 3, 2011

Thử thách đầu năm

Cái laptop nhà mình tự nhiên lại giở chứng từ chiều hôm qua. Thế là cho đến đến tận lúc giao thừa, trong lúc phải bận bịu nhiều việc không tên mình luôn phải loay hoay nó, thế mà vẫn không xong! Mình chắc mẩm tết này thế là "nhịn" máy tính rồi.  Có lẽ phải cài lại toàn bộ hệ thống, mà mình lại không có đĩa chuẩn để cài.
Hôm nay dậy sớm, sau bữa điểm tâm đơn giản sáng mùng một, mình quyết định bật máy lên. Màn hình xanh lại hiện ra, với thông báo cần khởi động lại máy để nạp driver cho thiết bị…. Lỗi này thực ra đã có từ hơn một tháng rồi và do quên cắm USB wireless vào máy nên chỉ cần cắm vào và bật lại máy là nó lại việc bình thường. Nhưng loay hoay mãi, cắm rồi rút ra, bật tắt mãi… vẫn không thành công. Chợt nhớ ra tại sao không vào chế độ Safe Mode để cài thử xem…?  Sau khi vào Safe mode mở  tiếp trình quản lý thiết bị mình thấy danh sách các thiết bị mạng, bên cạnh tên thiết bị kết nối wireless (TPLink) mình nhìn thấy ký hiệu "chưa kích hoạt". Thế là mình "Enable" thiết bị này, rồi khởi động lại máy. Tất cả chỉ có vậy và máy tính đã làm việc trở lại, tha hồ đọc báo…  

Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2010

Thử làm xem có ra thơ?

Chúc tâm trạng tốt lành

Bài ngoại ngữ đầu tiên tôi học
là những câu chào hỏi thường ngày
"chúc tâm trạng tốt lành", "chúc một ngày vui vẻ"
và những lời tạm biệt, chia tay,...
Bao ngày qua, bao người tôi gặp
bao nhiêu lời chào hỏi quanh tôi
nhưng không ai "chúc tâm trạng tốt lành"
không ai chúc "một ngày vui vẻ"
dù những nơi ngoại quốc xa xôi
luôn nghe những lời này trong xưởng máy

Người nói và Người nghe

Người nói nhiều khi chẳng biết đâu
chẳng biết người nghe âm thầm đau
nói xong chốc lát quên luôn cả
lời trước, ý sau gió cuốn ào!
Người nghe khắc khoải bao tháng ngày
chạm đến nguồn cơn một lời cay
ngẫm nghĩ sự đời sao ngang trái
đổi trắng thay đen một bàn tay?
Người nói, Người nghe cũng là ta
ta nói, Người nghe phải hiểu ta
Người nói, ta nghe ta chẳng hiểu
Người vẫn là Người, ta vẫn ta

Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2010

Tha thứ (trích blog Mẹ Nấm)

Không ai có thể làm nhẹ lòng mình bằng chính bản thân mình, vì vậy, dù khó khăn, cũng hãy ráng mỉm cười để tập tha thứ (dù chỉ trong chốc lát).Tha thứ - không có nghĩa là quên những gì đã xảy ra.
Và không quên những gì đã xảy ra, không có nghĩa là không chấp nhận tha thứ.

Tha thứ - là hành động nên có của con người đứng trước sự hối lỗi và ân hận.
Có thể, có những người không cần người khác hối lỗi hay ân hận, mặc nhiên cũng đã thứ tha. Loại người này, mình nghĩ không nhiều, nếu có, thì hình như đã đắc đạo.

Tha thứ - với mình, là có cái nhìn bao dung hơn, và để lòng mình nhẹ hơn.
Thật ra thì giữ mãi trong lòng những chuyện khó tha thứ, nó sẽ khiến mình thấy cuộc đời chật hẹp và ngắn ngủi hơn. Vậy đâu có sự lựa chọn nào khác ngoài tha thứ, để làm nhẹ cuộc sống của chính mình.
Hay nói cách khác, không tha thứ thì làm gì được? Nói tha thứ là nói cho cao thượng vậy thôi.

Tha thứ - với mình, không có nghĩa là cho qua mọi chuyện gì dù sao chuyện cũng đã qua rồi.

Tha thứ không cần phải nói bằng lời, nhiều lúc chỉ cần bằng cử chỉ, hành động, đối phương cũng sẽ hiểu. Tuy nhiên, mình nghĩ rằng, mọi thứ khó mà trở lại nguyên vẹn như trước, ngay cả khi đã chấp nhận thứ tha.

Ghen và gét

Cái sự gen và gét luôn có sẵn trong mỗi người, nên người ta mới hay nói "tức máu", "lên cơn",... Mà có lẽ nó chỉ mang lại hậu quả xấu cho cuộc sống. Nên cái sự  gen và gét đã được đúc kết thành những thành ngữ dân gian

1.       Gét cay gét đắng Cay và đắng nhưng  vẫn phải cam chịu.
2.       Gét như đào đất đổ đi Hy vọng là đào được bao nhiêu đất  thì mức độ gét sẽ  giảm bấy nhiêu 
3.       Gét nhau gét cả đường đi lối về. Và gét tất cả mọi thứ liên quan đến "nó", gét cả những ai không gét "nó" như mình, ghét cả "họ hàng hang hốc nhà nó",...
4.       Không ưa thì dưa có dòi Thậm chí cao thành thấp, trắng thành đen,…
5.       Gen ăn tức ở "Nó" làm gì mà vớ được lắm như thế. Trời công bằng lắm, rồi cũng sẽ lấy đi hết cho mà xem
6.       Con gà tức nhau tiếng gáy Vì mình cũng là gà nên nhất định cũng phải  gáy to, cho dù với bất cứ giá nào.
7.       Trâu buộc gét trâu ăn Trâu buộc thì cũng có thức ăn nhưng không ăn nổi vì tức .
8.       Gét nhau cau sáu bổ ra làm mười Bổ thành mười thì cũng chưa phải là gét lắm. Mỗi miếng lại tiếp tục bổ ra làm mười...
9.       Xa thơm gần thối
10. Không ưa thì dưa có dòi

Thứ Năm, 23 tháng 9, 2010

Hà Tây cửa ngõ thủ đô

Thế là đã hơn một năm, Hà Tây được sáp nhập vào Hà Nội. Giờ đây cái tên Hà Tây dần dần rơi vào quên lãng. Không còn được biết đến với dấu ấn một thời "Hà Tây cửa ngõ thủ đô", "Hà Tây quê lụa"... Chẵng lẽ cái tên Hà Tây chỉ có thế thôi sao?
Vừa qua tuyến đường Láng - Hòa Lạc được hoàn thành, có thể coi đó là một trong các tuyến đường hiện đại nhất Hà Nội hiện nay. Khi khánh thành tuyến đường này người ta đặt tên cho nó là đại lộ Thăng Long. Thật tiếc là người ta không đặt tên cho nó là đại lộ Hà Tây. Cái tên Thăng Long thì đã đặt cho quá nhiều công trình lớn nhỏ rồi, đặc biệt là cầu Thăng Long trên đường đi sân bay Nội Bài,... nên dễ gây nhầm lẫn. Trong khi tuyến đường mới này nằm hầu như trên đất Hà Tây và cũng đã được khởi công từ khi Hà Tây chưa về Hà Nội. Đặt tên đại lộ đó là Hà Tây sẽ giữ lại được cho con cháu một cái tên của một vùng đất lịch sử. Thật là tiếc.  Có phải sự lãng quên đó minh chứng về thói vô cảm?  

Chủ Nhật, 7 tháng 3, 2010

Tết Canh Dần - Khai bút của Mai

Tết về thăm quê ngoại

Ba mươi tôi về tới quê ngoại
Mọi người vui đón trong hân hoan
Trời mưa lất phất đẫm trên áo
Vùng quê! Đúng thế
Thanh bình thật :
Tôi dạo chơi dưới lũy tre ngà xưa
Cây đào, cây mai - đã nở tự lúc nào

Sáng nay –mùng một :
Tôi khai bút
Làm bài thơ tặng mọi người
(Tự sáng tác chứ hổng phải chép đâu )
Tết đến,xuân sang
Tôi vui quá !
       *         *         *
Sáng nay –mùng hai :
Tôi đi chúc các nhà ở thành phố Thanh Hóa
(Phong bao lì xì lại nhiều hơn
Bác Hảo – bạn bố
Lì xì nhiều lắm đó
Tới tận hai trăm nghìn cơ mà)
Trước cửa nhà nào
Cũng treo đèn lồng đỏ
Lá cờ tổ quốc cũng tung bay
Cả thành phố treo cờ thẳng tắp
Dù thời tiết hơi se se lạnh
Không khí Tết vẫn tràn đầy phố
Mọi người đã đi lại đầy đường.                
        *         *         *
Hôm nay tôi đã phải về rồi
Lại phải về thủ đô chật hẹp
Nhưng không sao ,
Hè tới tôi lại được về thôi
Nhưng có thể đó là hè cuối
Mùa hè cuối mà tôi được về quê
Vì năm sau tôi đã lên lớp sáu
Có thể Tết tôi sẽ lại được về quê
Về miền quê Thanh Hoá yêu dấu
Về thăm các di tích quê ta
Về nơi các cụ già quê ta bắn rơi máy bay giặc Mĩ
Tôi sẽ nhớ mãi nơi đây!Miền quê Thanh Hóa ơi!
Hỡi miền quê Thanh Hóa!

Thứ Tư, 3 tháng 2, 2010

Triết học và lịch sử (Hồ Ngọc Đại)

(Bài giảng của giáo sư Hồ Ngọc Đại tại trường viết văn Nguyễn Du. Giáo sư đầu bạc trắng, áo trắng, quần trắng, giọng nói sang sảng, giọng điệu hài hước và thẳng thừng).

5 điều cơ bản của buổi học:
1. Sự tương quan giữa triết học và lịch sử.
2. Sự tồi tệ của nghị quyết và chính sách.
3. Sự cần thiết của mở rộng/ phá bỏ tư duy cũ.
4. Phát hiện lớn nhất của con người là Công Nghệ Sinh Đẻ.
5. Ta tạo ra chính mình.


Tôi xin nói ngay là, tôi nói điều tôi nói, còn tiếp nhận hay không là việc của các anh các chị.
Thơ dù đề là "Vô đề/ Không đề" thì vẫn cứ là có đề. Vậy hôm nay bài giảng của tôi có đầu đề là "Triết học và lịch sử".


Có hai vấn đề tôi cho là cơ bản nhất trong các vấn đề cơ bản: triết học và lịch sử. Xin nhớ cho rằng, chúng ta không mày mò điều mà nhân loại đã đi qua. Ta sinh ra thế giới đã có sẵn, anh buộc phải chấp nhận những điều có sẵn đó. Và ta phải chịu quá nhiều sức ép. Dưới những sức ép không gì cưỡng lại đó, ta cứ ngỡ là mình được tự do.

Anh ngồi yên ở đây, anh phải chịu sức ép của không khí, phải chịu lực hút của Trái Đất. Ta thấy điều đó là tự nhiên, ai cũng phải chịu những sức ép ấy, vậy là chẳng ai phải chịu sức ép cả.

Quay lại với triết học và lịch sử. Tính triết học được hiểu là cái lý cuối cùng của cuộc đời (không thấy được bằng mắt); còn lịch sử được hiểu là cái có thật, cái đã/đang/sẽ có thật, hoàn toàn trần trụi.

Mấy ngàn năm nay, nhân loại bao giờ cũng đứng trước hai vấn đề: triết học (tinh thần) và lịch sử (vật chất). Nhà văn như các bạn là phải hiểu vật chất một cách rất tinh thần.

Tôi chẳng hiểu tại sao lại có thứ câu hỏi ngu xuẩn đến thế, không hiểu sao có loại nhà trường ngu như thế! Đấy là cứ đặt ra hai câu hỏi cho học sinh: vật chất có trước hay tinh thần có trước? Cái nào quyết định cái nào? Điên à! Như mấy anh nào cứ hỏi con gà có trước hay quả trứng có trước ấy, hỏi để làm gì?

Lịch sử và triết học tương đương nhau. Hegel nói: "Lịch sử và triết học là hai hình thái tương đương nhau". Anh chị chú ý chữ "hình thái", hay là "hình thức" ở đây. Hôm nay tôi mặc áo màu trắng, ngày mai tôi mặc áo đỏ, hoặc có lúc nào có chị gặp tôi không mặc áo gì cả, vẫn nhận ra tôi. Bởi đó chỉ là hình thức thôi.

Triết học và lịch sử có sự chuyển hóa lẫn nhau. Ngày xưa vợ chồng gọi nhau là "mình" là triết học nhất. Mình mà lại không phải là mình. Bây giờ không còn gọi nhau như thế là bởi nhiều mình quá. Và phải hiểu rằng khi gọi "thằng chồng" là đã ám chỉ có "con vợ" ở trong rồi.

Tư duy quá rạch ròi tạo ra trình độ thấp. Cái nhìn thấy chứa cái không nhìn thấy.

(Giáo sư giơ cánh tay lên) Tôi đố các anh các chị đây là cái gì? (Hội trường: cánh tay). Cánh tay à? À, tôi nghe thấy có chị nào bên dưới bảo đây là cái gối. Đúng đấy, với riêng chị có thể đây là cái gối. Với người khác có thể là gọng kìm, là quả đấm.

Hiểu rõ hai vấn đề, nhìn thấy hai mặt của một sự việc, các anh chị sẽ viết văn thoải mái hơn. Trên đời không có cái gì tồn tại đơn độc hết. Trong đời, cư xử cũng chính là một dạng triết học. Như tôi, giảng bài cho các anh các chị thì là Giáo sư, nói những gì, quay ngang quay dọc ra sao, nhìn ngó thế nào. Tôi về nhà, vợ gọi: "Đại đâu?" là phải "Dạ!" ngay (GS khoanh tay cúi đầu), không thì chết với nó.

Tiếp theo, tôi xin nói về "Siêu hình, biện chứng". Hegel nói, "Toàn bộ triết học thâu tóm vào phương pháp". Có hai phương pháp cơ bản: siêu hình và biện chứng.

  • Siêu hình.

Hegel được coi như "ông trùm của duy tâm". Ông nói: "Các nhà triết học phê bình tôi, họ tưởng tôi cũng ngu như bọn duy vật".

VD: các cô trong đây giữ cho mình một cái ảnh trẻ nhất, đẹp nhất, mỗi khi ai hỏi thì đem ra khoe, hoặc yêu mến ai đem ra tặng. Các cô ngày thường có thể đanh đá, chua ngoa cau có, nhưng bức ảnh chụp lại một tích tắc đẹp và chặn đứng sự vận động của nó (siêu hình). Cái ảnh đó là sự thật, không hề bịa, nhưng lại sai (ngày thường con bé đành hanh, sao trong ảnh lại hiền dịu thế).

  • Biện chứng.

Tức là để sự vật vận động và nghiên cứu nó trong lịch sử. Như thế thật mà không thật. Xem phim là một điển hình về biện chứng giả (thực chất là những siêu hình kế tiếp).

Mấy nghị quyết của Nhà nước giả là vì thế: cuộc sống vận động, nhưng nghị quyết thì đứng. Ngu thế chứ! Điển hình của sự sống là luôn luôn vận động. Hãy xem những nghị quyết như những cuốn tiểu thuyết. Hai đứa đấy lúc đầu gặp nhau thì chúng nó vui, chắc gì cả đời còn lại chúng nó vui?

Mà tư duy kiểu Việt Nam: không sai là đúng, không đúng là sai, có chết không.

Trong văn chương, anh không bao giờ là anh thì anh mới là anh. Anh luôn luôn là anh thì anh chết. Sự ổn định chỉ là ước lệ.

Như vậy, hãy tin vào Triết học, nhưng cũng không nên tin vào Triết học.

Không phải đi đâu xa, cuộc sống chính là lịch sử. Ta sinh ra từ đó và ta sống chết với nó. Cho nên các bà già nông thôn triết học lắm.
Triết học cao thì nhìn cuộc sống rõ. Cuộc sống đích thực thì triết học mới cao được.

Ở thế hệ của chúng ta, cuộc sống vận động rất nhanh. Mác nói: "Rồi có lúc một ngày bằng 20 năm", chính là lúc này đây.

Mác nói: "Lịch sử là tự nhiên". Khái niệm "lịch sử" ở đây chính là cuộc sống thực, là thực tiễn, là hiện thực, là hiện thực khách quan, như các anh chị thường dùng. Hồi đó Mác tí tuổi đầu, chưa tới 30, mà một ông GS 70 tuổi vẫn phải trích dẫn (ý GS tự nói mình) thì các anh chị biết là Mác giỏi thế nào.

Triết lý cuộc sống hết sức đơn giản: muốn gì thì gì, cứ phải sống đã. Ăngghen nói: "Sống là sự trao đổi chất". "Trao đổi" tức là phải có hai bên, có chất trao đổi, có sự vận động về thời gian và không gian.
"Lịch sử là tự nhiên". Thế tức là cái gì tự nhiên nhất thì vĩ đại nhất.

Cứ nống lên là vĩ đại à? Việt Nam buồn cười. Thi đua khác nào kiễng chân lên, có tăng được chiều cao đâu. Nước ta thế, khẩu hiệu càng nhiều, đất nước càng khốn nạn.

Năm 69,70 gì đó, tôi sang Liên Xô học. Những người bạn Liên Xô nói với nhau: "Các bạn ơi, chúng ta nên thương anh Đại. Cái mà chúng ta sắp đổ rồi thì anh Đại sang học".

Họ khuyên tôi nên đọc Platon, Kant, Hegel, Marx- chỉ cần đọc 4 ông ấy thôi, và chú thích cách đọc: thứ nhất, lúc nào chán không còn việc gì làm nữa thì hẵng đọc; thứ hai, đừng đọc theo hệ thống, hãy đọc lung tung bạ đâu đọc đấy.
Tôi không hiểu nổi những lời khuyên của họ. Nhưng chính cách đọc ấy làm tôi mở rộng tư duy, không theo khuôn thước nữa.

Các giáo trình triết học bây giờ buồn cười, bảo sai thì không sai, nhưng mà học chẳng để làm gì.

Có mấy người mời tôi đến dạy, sợ không đủ thù lao. Trời ơi, sinh viên là thù lao lớn nhất đối với tôi. Mà chính ra họ sợ tôi đến làm loạn sinh viên. Sinh viên là bọn dễ nổi loạn nhất.

Trong trường học, các anh chị toàn dạy Dao, Kéo cả, chẳng thấy Mác đâu hết.

Mác nói: từ trước đến giờ, các cuộc cách mạng đều là của số ít, không thấy cuộc cách mạng nào là của số đông. Ông hi vọng ở cuộc cách mạng tư sản Pháp, nhưng về sau ông thất vọng.

Các anh chị xem này, lúc đầu có hai loại người là "chủ nô và nô lệ". Hai loại này bị thay thế bởi "địa chủ và nông dân". Hai loại này lại bị thay thế bởi "tư sản và vô sản". Thế bây giờ muốn tư sản chết mà mỗi vô sản sống thôi à? Vô lý! Thằng đấy chết phải có thằng khác thay vào, hoặc là phải có hai thằng mới.

Có phải về mặt triết học, "nông dân" là phản động, bởi họ đại diện cho phương thức sản xuất cũ nên phải hủy bỏ không?

Ông.... hỏi tôi có gì trách Đảng không. Tôi bảo, tôi giận chứ tôi không trách, mà tôi quý tôi mới giận. Thứ nhất, ngàn đời nay Việt Nam toàn nông dân, nhưng chính sách với nông dân tệ quá. Các vị cũng từ nông dân mà ra chứ đâu. Thứ hai là chính sách với trí thức. Bọn này cực kỳ yêu nước, chỉ phải tội chúng nó hay chửi lung tung, thì Đảng hay cà khịa với chúng nó.

Lúc đầu trên đời không có gì hết, chỉ là một thế giới vô cơ. Sau đó xuất hiện sự sống hữu cơ, rồi có thực vật và động vật. Lịch sử luôn sáng tạo ra cái mới. Đến khi con người ra đời thì toàn bộ cơ sở tự nhiên đã có rồi.

Về mặt lịch sử, ta có cơ thể người. Về mặt triết học, ta có "phạm trù người".

Người là sản phẩm sau cùng của lịch sử tự nhiên. Việc mà toàn bộ lịch sử tự nhiên làm suốt tỉ tỉ năm qua thâu tóm vào trong CÔNG NGHỆ SINH ĐẺ. Đó là tinh túy của lịch sử.

Ta biết rằng ông Trời làm khoán, rất chắc chắn, an toàn tuyệt đối: con bò sẽ đẻ ra con bò, con vịt lại đẻ ra con vịt,... Và muôn loài cho gì hưởng nấy.

Riêng con người tự sinh ra mình, qua lao động. Loài người là loài ương bướng.

Con khỉ đầu tiên đi bằng hai chân, thể nào cũng bị đồng loại phê bình, họp kiểm điểm mạnh lắm. Cũng như cái anh đầu tiên nghĩ tới việc đi xe đạp, khác hẳn việc cưỡi ngựa hoặc đi xe ngựa (vẫn là dùng sức bộ), chắc chắn sẽ bị hàng xóm cười: "Thể nào nó chẳng ngã?".

Nhưng có xe đạp, loài người mới được giải phóng tư duy, rồi mới có ô tô, máy bay, đỡ sức.

Nói về chữ "RA SỨC". "Ra sức" để làm gì, ngu muội! Tôi đi ô tô, tôi nhẹ nhàng khởi động xe, không việc gì phải dùng sức hết. Thế lẽ ra phải đề cao mấy thằng "không ra sức", đằng này lúc nào cũng hô hào "ra sức", có điên không.

Con người ta vĩ đại là ở tinh thần, không ở thể xác. Ông Mác cao có 153cm, nếu đi thi hoa hậu thì ông cao vừa đến eo, mà với mãi hai tay lên chưa chắc đã với được đến chỗ cần với. Nhưng ông vẫn vĩ đại. Như vậy là tinh thần quan trọng hơn cơ thể.

Tôi nói câu này: "Con người là một thực thể tinh thần"- cái này nhiều ông sợ không dám nói. Con người là một thực thể tinh thần, do đó loài người tự sinh ra mình, bất chấp Kinh Thánh.

Ta quen "Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày,..." Tư duy hèn hạ. Lại còn "Nước, phân, cần, giống", nghe thì rất vĩ đại khi khái quát nó lên, nhưng đồng thời cũng rất chung chung. Bao nhiêu "nước"? "Phân" lúc nào?

(Quay lại công nghệ sinh đẻ) Cuối thế kỷ XIX, người ta phát hiện ra cơ chế thụ thai. Trước đó thì có con là việc trời cho. Bây giờ muốn lúc nào có lúc đấy, có hay không đều được. Bây giờ "coi trời bằng vung", dám làm rồi.

Và có công nghệ sản xuất vật chất thì ắt phải có công nghệ sản xuất tinh thần.

Người ta hỏi tôi: 30, 40 năm qua, anh làm được gì? Tôi đáp, ngần ấy năm tôi chỉ làm được có ba chữ thôi.

(Ba chữ gì?)

Có ba chữ thôi.

(Nhưng là ba chữ gì?)

HỒ NGỌC ĐẠI!

(cả hội trường ồ lên vỗ tay).

Tôi xin kết thúc bài giảng ở đây.

(tôi cũng xin kết thúc bài ghi ở đây).